Thế nhưng, kể từ tháng 2/2015 khi Thông tư 36 “siết” việc đầu tư vào trái phiếu của ngân hàng, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận chỉ còn trông chờ vào tín dụng.
Thực tế, nguồn thu từ trái phiếu chiếm tỷ lệ không dưới 20-25% lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong những năm trước. Nhưng với các quy định mới, ngân hàng không còn hưởng lợi lớn từ kênh đầu tư này.
Theo quy định tại Điều 17, Khoản 6 của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa được mua, đầu tư trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của NHTM nhà nước là 15%; NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%; và tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 5%. Với quy định này cùng với lãi suất tiền gửi ngân hàng đang có xu hướng tăng trở lại khiến lợi suất trái phiếu kém hấp dẫn…
Ở chiều hướng ngược lại, khi nền kinh tế dần ấm lên, thị trường bất động sản phục hồi khiến các ngân hàng đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế và coi đây là nguồn thu trọng điểm. Dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đến ngày 18/6 tăng trưởng 6,09% so với cuối năm 2014, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2015, NHNN tiếp tục bám sát tình hình thị trường, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, người dân nhằm mở rộng tín dụng. Mục tiêu ban đầu là kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2015 ở mức 13 - 15%, nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, theo Thống đốc Bình, trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN có thể điều chỉnh chỉ tiêu này lên 17%.
Con số này cũng được các chuyên gia tài chính đánh giá là khả thi, do tín dụng đang dần được cải thiện. Trong khi, mùa cung vốn cao nhất thường rơi vào 2 quý cuối năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, trong bối cảnh hiện tại, hoạt động từ mảng dịch vụ ngoại hối, vàng không còn đóng góp đáng kể vào lợi nhuận. Một phần, do tỷ giá vàng thị trường vàng đã được NHNN kiểm soát chặt chẽ trong những năm qua. Còn với kênh đầu tư chứng khoán, trái phiếu cũng bị hạn chế bởi quy định của Thông tư 36.
Tuy nhiên, với việc siết “room” đầu tư vào kênh trái phiếu, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh vốn tín dụng ra thị trường nhiều hơn, nhất là khi tình hình kinh tế đang dần hồi phục. Bởi ngân hàng chỉ là một loại chủ thể đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ khi dư thừa vốn. Nhưng trong những năm gần đây, nền kinh tế khó khăn, nhu cầu vay vốn của DN thấp, các ngân hàng thừa vốn đã tới khoảng 80% trái phiếu chính phủ.
Hiện nay, tín dụng đã dần tăng trưởng, trong khi lợi suất trái phiếu không còn như trước, cùng với quy định khống chế “room” vốn của ngân hàng vào trái phiếu, nên nhu cầu đầu tư sẽ giảm dần.
Phó Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân cho biết, với tình hình hiện nay xu hướng tín dụng sẽ dần cải thiện trong những tháng tới. Tuy nhiên, theo bà Vân, điều quan trọng đối với ngân hàng trong tăng trưởng tín dụng là phải kiểm soát được chất lượng để giảm dự phòng rủi ro mới kỳ vọng tăng được lợi nhuận.
Tại DongA Bank các năm qua, lợi nhuận thu trước dự phòng rủi ro đạt kế hoạch, song sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế còn lại ở mức thấp so với chỉ tiêu ban đầu.
Mặt khác, hiện tại, cạnh tranh trong cho vay cũng khá gay gắt nên các ngân hàng phải giảm dần lãi suất cho vay, biên lãi thu về hẹp dần.
Phó Tổng giám đốc VietA Bank, ông Phạm Linh cho rằng, với biên lãi trong hoạt động tín dụng co dần, ngân hàng khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao. Theo ông Linh, với hoạt động ngân hàng, để kỳ vọng đạt lợi nhuận sau khi trừ các chi phí thì chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay phải từ 3 -3,5%. Nhưng với xu hướng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng nhẹ hiện nay, lãi suất cho vay ra khó tăng theo, nên biên lãi chỉ còn khoảng 2,5%.
Với các yếu tố trên cộng với thị trường còn nhiều rủi ro nên dù trông chờ vào hoạt động tín dụng, lợi nhuận của các ngân hàng năm nay cũng khó thể cao. Ngay kênh đổ vốn được cho là hấp dẫn hiện nay là bất động sản cũng không phải không có những ý kiến lo ngại.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện của một Quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, khó có thể kỳ vọng thị trường bất động sản ấm lên toàn diện, nhất là khi nguồn cung hiện nay dồi dào hơn trước. Vì vậy, việc các ngân hàng kỳ vọng bất động sản sớm ấm trở lại để đẩy mạnh vốn cho vay khi “room” đầu tư vào trái phiếu bị hạn chế cũng không phải dễ triển khai.