Tăng trưởng tín dụng liệu có quá nhanh?

(ĐTCK) Báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vào giữa tháng 5/2015 cho biết, tính đến hết quý I/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 1,91% (cao hơn cùng kỳ các năm 2011 - 2014).
Các ngân hàng cần cẩn trọng nhìn lại sức hấp thụ của thị trường  cũng như các yếu tố có thể gây rủi ro Các ngân hàng cần cẩn trọng nhìn lại sức hấp thụ của thị trường cũng như các yếu tố có thể gây rủi ro

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cho biết, tín dụng đối với toàn nền kinh tế tính đến 20/5 ước tăng 4,26%, trong khi cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 1,11%. Cũng theo báo cáo này, tính đến 31/3/2015, tổng huy động chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng, tăng 0,98% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm.

Cụ thể, cho vay bằng VND tăng 2,4%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,9%. Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% vào tháng 12/2014. Đáng chú ý là tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% cuối năm 2014, nguyên nhân do huy động tiền gửi ngoại tệ giảm 4,94% so với cuối năm 2014.

Mặc dù con số tăng trưởng tín dụng tháng 5 khá cao so với cùng kỳ năm 2014 nhưng tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, con số này chỉ tăng một chút so với thời điểm cuối tháng 4 đạt gần 4%.

Về vấn đề này, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, tín dụng của Ngân hàng trong tháng 3, 4 tăng trưởng tốt hơn trong tháng 5 và như vậy là diễn biến cùng chiều với số lượng 4,2% tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống tính đến 20/5, không khác nhiều so với con số cuối tháng 4. Bên cạnh đó, nếu nhìn vào lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh trong hai tuần cuối tháng 5 cho thấy có vẻ tín dụng tăng chậm hơn trong tháng 5, nên nguồn cung tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng rất dồi dào.

Chia sẻ với ĐTCK, nhân viên một ngân hàng TMCP cho biết, kế hoạch năm nay chi nhánh nhận khá cao nên tất cả nhân viên chi nhánh đều được giao chỉ tiêu kinh doanh. Cụ thể, huy động khách hàng cá nhân phải liên tục tăng trưởng qua các tháng với tháng đầu tiên của quý II mức đặt ra là gần 600 triệu đồng, nhưng đến cuối năm là gần 4,7 tỷ đồng. Song song với đó là huy động khách hàng DN với mức khởi động là 200 triệu đồng và đến cuối năm phải đạt gần 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay tháng đầu tiên mức đặt ra khá thấp nhưng đến cuối năm là gần 1 tỷ đồng…

“Là nhân viên phòng hành chính - tổ chức, tôi vẫn phải đảm bảo công việc chính của mình nhưng buộc phải tham gia kinh doanh, điều này có nghĩa, để có được kết quả kinh doanh, tôi phải làm việc ngoài giờ. Khách hàng nếu “kéo” được về thì phải tự chăm sóc, tức là phải nắm được các lãi suất, các chương trình khuyến mại… để tư vấn và cá biệt, nếu là khách hàng VIP thì cũng tự đi thu tiền nếu khách yêu cầu mà không có sự hỗ trợ của ngân hàng”, nhân viên này nói.

Ông Quang khuyến nghị, các ngân hàng và khách hàng của mình luôn mong muốn nền kinh tế khởi sắc mạnh mẽ; các ngân hàng cấp được tín dụng ra hỗ trợ DN mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhưng các bên vẫn phải luôn cẩn trọng nhìn lại sức hấp thụ thị trường trong và ngoài nước, cũng như các yếu tố có thể gây rủi ro. Những tháng đầu năm, các DN có thể đã tích cực bắt tay ngay vào việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhưng thực tế những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước vẫn hiện hữu

Chẳng hạn như một vài mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã giảm doanh thu, nguồn thu xuất khẩu dầu thô cho ngân sách giảm, khách du lịch đến Việt Nam giảm… là những thông tin quan trọng mà các ngân hàng vàDN phải phân tích sâu. Mở rộng sản xuất cần đi đôi với đo lượng sức hấp thụ, nhu cầu thực tế của thị trường như thế nào, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đã được cải thiện đến đâu?... Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần thận trọng chứ không thể vội vàng  trước một số thông tin bất động sản ấm lên mà dễ dãi  trong quản lý chất lượng tín dụng cho kênh này

“Cho vay luôn đi kèm với rủi ro trong bối cảnh thị trường cạnh tranh lẫn nhau khốc liệt bởi những chỉ tiêu thách thức mà các ngân hàng đã đặt ra trong năm nay. Yếu tố chuyên nghiệp, cẩn trọng, đúng quy định trong thẩm định là điều tối cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng”, ông Quang nhấn mạnh. 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục