Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch ngày 14/1, nhiều thông tin hỗ trợ tích cực được công bố giúp chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ và gần như đã lấy lại được những gì đã mất trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/1, Dow Jones tăng 115,92 điểm (+0,71%), lên 16.373,86 điểm. Chí số S&P 500 tăng 19,68 điểm (+1,08%), lên 1.838,88 điểm. Chí số Nasdaq tăng 69,71 điểm (+1,69%), lên 4.183,02 điểm.
Theo báo cáo mới được công bố, doanh số bán lẻ tháng 12 của Mỹ tăng 0,2%, tốt hơn so với mức dự bán là 0%, trong đó, doanh số bán hàng cốt lõi, không kể thực phẩm và tự động tăng 0,7%, mức cao nhất gần 1 năm và cao hơn mức dự báo 0,3% của giới phân tích.
Tiếp đến là tin vui đến từ JP Morgan Chase và Wells Fargo, khi 2 ngân hàng này đều có kết quả kinh doanh vượt dự tính. Trong khi Wells Fargo vượt nhẹ dự tính, thì JP Morgan Chase cũng có kết quả khả quan khi các khoản tiền phạt liên quan đến vụ Madoff đã được loại trừ.
Đây là tín hiệu tích cực, mở đầu cho mùa công bố kết quả kinh doanh của các tập đoàn tài chính, ngân hàng trong tuần này và tuần tới. Sau 2 ngân hàng trên, hàng loạt ông lớn khác sẽ công bố kết quả kinh doanh như Bank of America, Goldman Sachs, Citigroup, Morgan Stanley.
Một thông tin tích cực khác cũng giúp cho Phố Wall “đòi nợ” thành công là thông tin 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ gần như đạt được thỏa thuận về gói ngân sách trị giá 1.100 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ hoạt động trong năm tài khóa này, chấm dứt lo ngại Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa lần thứ 2 vào ngày 16/1 tới đây khi gói gia hạn hồi tháng 10 kết thúc.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường chứng khoán chính của khu vực giao dịch ở dưới mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên 14/1, bởi tác động của dữ liệu việc làm Mỹ, cũng như phiên giảm mạnh của Phố Wall trước đó. Tuy nhiên, ngay sau khi chứng khoán Mỹ bùng nổ với liên tiếp các tin tốt được công bố, chứng khoán châu Âu cũng dần dần bò qua mốc tham chiếu và duy trì được phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong tuần và là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên 14/1, chỉ số FTSE100 tại Anh tăng 9,71 điểm (+0,14%), lên 6.766,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 30,34 điểm (+0,32%), lên 9.540,51 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 10,93 điểm (+0,26%), lên 4.274,20 điểm.
Chứng khoán chứng khoán châu Âu tăng điểm trở lại trong cuối phiên còn nhờ thông tin tích cực từ khu vực này khi dữ liệu mới công bố cho thấy, sản lượng công nghiệp của khu vực tăng 1,8% trong tháng 11, trên dự báo và là mức tích cực cho triển vọng tăng trưởng trong quý IV/2013.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á, nhất là chứng khoán Nhật Bản lại lao dốc mạnh trong phiên 14/1. Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới (thứ Hai chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch) khi dữ liệu thâm hụt cán cân vãng lai thang 11 của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này mạnh hơn số liệu đã được ước tính trước đó. Bên cạnh đó, dữ liệu việc làm tiêu cực của Mỹ khiến đồng USD giảm mạnh so với các đồng tiền khác, trong đó có đồng yên Nhật Bản, khiến tác động không tích cực tới nền kinh tế vốn hướng về xuất khẩu này.
Kết thúc phiên 14/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 489,66 điểm (-3,08%), xuống 15.422,4 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 97,48 điểm (-0,43%), xuống 22.791,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc), lại tăng 17,28 điểm (+0,86%), lên 2.026,84 điểm.
Tuy nhiên, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, chứng khoán Nhật Bản đã có dấu hiệu phục hồi trở lại nhờ thông tin tích cực từ dữ liệu bán lẻ của Mỹ.
Trên thị trường vàng, đúng như dự báo, với nhiều thông tin tốt từ nền kinh tế Mỹ, giá vàng đã rơi trở lại. Trong phiên 14/1, đang giằng co quanh mốc 1.250 USD/ounce, giá vàng rơi tõm 10 USD/ounce, từ mức gần 1.254 USD/ounce, xuống hơn 1.242 USD/ounce ngay sau khi dữ liệu bán lẽ của Mỹ được công bố, trước khi hồi nhẹ trở lại lúc cuối phiên.
Kết thúc phiên 14/1, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 7,4 USD (-0,59%), xuống 1.245 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 5,7 USD (-0,46%), xuống 1.245,4 USD/ounce.
Theo dự đoán của Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản của Goldman Sachs, giá vàng có thể giảm xuống mức 1.050 USD/ounce, tức giảm khoảng 16% so với mức giá hiện tại, bởi triển vọng kinh tế Mỹ đang tích cực.
Cùng với chứng khoán, những dữ liệu tích cực trở lại của nền kinh tế Mỹ cũng giúp giá dầu hồi phục trở lại sau chuỗi giảm mạnh. Kết thúc phiên 14/1, giá dầu thô tại thị trường New York tăng 0,79 USD (+0,85%), lên 92,59 USD/thùng. Giá dầu Brent vẫn giảm nhẹ 0,36 USD (-0,34%), xuống 106,39 USD/thùng