Sau khi dữ liệu này được công bố, nhiều nhà đầu tư đã hồ hởi mua vào cuối tuần trước vì cho rằng, dữ liệu việc làm yếu sẽ khiến FED khó cắt giảm gói QE3 thêm và vì vậy, dòng tiền nóng cho chứng khoán vẫn còn.
Tuy nhiên, sau 2 ngày nghỉ và suy tính, nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc bảng lương phi nông nghiệp đột ngột giảm mạnh trong tháng 12 cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ có vấn đề và nó sẽ tác động trở lại thị trường chứng khoán. Do đó, ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, lực bán đã được tung ra mạnh, kéo cả 3 chỉ số giảm hơn 1%.
Ngoài tác động của yếu tố việc làm, Phố Wall còn bị ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bán lẻ. Hiện thị trường đang bước vào mua công bố kết quả kinh doanh quý IV. Theo báo cáo của hãng bán lẻ quẩn áo thể thao Lululemon cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận trong quý này.
Tuần sau, mọi con mắt sẽ đổ dồn về nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, khi có 17 hãng tài chính, ngân hàng sẽ công bố kết quả kinh doanh quý IV.
Trở lại với phiên giao dịch đầu tuần, Phố Wall chỉ lình xình sát mốc tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng, rồi từ từ giảm điểm vào nửa cuối phiên, nhất là khi bước vào phiên giao dịch chiều, cả 3 chỉ số đều lao mạnh.
Kết thúc phiên 13/1, Dow Jones giảm 179,11 điểm (-1,09%), xuống 16.257,94 điểm. Chỉ số S&P500 giảm 23,17 điểm (-1,26%), xuống 1.819,20 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 61,36 điểm (-1,47%), xuống 4.113,30 điểm.
Một thông tin cũng có tác động tới Phố Wall là gã khổng lồ về tìm kiếm Google đã đạt được thảo thuận mua lại hãng sản xuất bộ điều chỉnh nhiệt độ thông minh Nest Labs trị giá 3,2 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn thứ 2 của Google sau khi mua lại hãng Motorola trị giá 12,5 tỷ USD trong năm 2012. Sau khi mua lại, Google sẽ để Nest Labs hoạt động với thương hiệu riêng hiện nay.
Bước đi này giúp Google tiến tới đưa sản phẩm của Nest Labs vào các sản phẩm thông minh của mình để cạnh tranh với máy nghe nhạc IPod của Apple.
Sau thông tin này, cổ phiếu Google đã tăng 0,5%, lên 1.128,49 USD/CP và là nhân tố hãm bớt đà rơi của Phố Wall.
Trái ngược với Phố Wall, chứng khoán châu Âu lại có phiên khởi đầu tuần mới khá tích cực khi sắc xanh ngự trị trên các thị trường chính. Chứng khoán châu Âu thoát khỏi phiên giảm điểm bởi tác động của thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Các cổ phiếu ngân hàng châu Âu đồng loạt tăng mạnh ngay sau khi cơ quan giám sát ngân hàng đồng ý nới lỏng điều kiện để kiểm soát rủi ro, giúp các ngân hàng có “dễ thở” hơn trong hoạt động.
Kết thúc phiên 13/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,21 điểm (+0,26%), lên 6.757,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 36,93 điểm (+0,39%), lên 9.510,17 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 12,67 điểm (+0,30%), lên 4.263,27 điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục tăng giảm đan xen. Kết thúc phiên 13/1, chỉ số HangSeng Index tại Hồng Kông tăng 42,51 điểm (+0,19%), lên 22.888,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite trên tại Trung Quốc giảm 3,73 điểm (-0,19%), xuống 2.009,56 điểm. Thị trường chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.
Tuy nhiên, việc bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tiêu cực cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới có vấn đề và khiến đồng USD suy yếu. Đồng USD giảm so với đồng yên đã tác động trở lại chứng khoán Nhật Bản khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Ngay khi mở cửa phiên 14/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản đã lao thẳng 2,5%.
Trong khi chứng khoán giảm sâu, thì vàng lại nhích nhẹ khi vai trò nơi trú ẩn an toàn của kênh đầu tư này được tăng lên sau dữ liệu việc làm đáng thất vọng của Mỹ được công bố.
Kết thúc phiên 13/1, giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 3,8 USD (+0,3%), lên 1.252,40 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 tăng 4,2 USD (+0,36%), lên 1.251,1 USD/ounce.
Với dữ liệu kinh tế không mấy tích cực, giá dầu cũng đã quay đầu giảm trở lại trong phiên đầu tuần sau khi có phiên phục hồi mạnh cuối tuần trước. Kết thúc phiên 13/1, giá dầu thô trên thị trường New York giảm 0,92 USD (-1,00%), xuống 91,80 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,50 USD (-0,47%), xuống 106,75 USD/thùng.