Doanh nghiệp Việt tận dụng 3 FTA đang có hiệu lực với thị trường Nhật
7 tháng đầu năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển do giá cước container tăng cao, nhưng xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,9%. Nhiều loại nông thủy sản của nước ta vẫn đều đặn xuất đi mỗi tuần nhờ sản phẩm đạt chất lượng và đáp ứng tốt tiêu chuẩn nhà nhập khẩu.
Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu tăng 35,23%, hạt điều tăng 20,35%, cà phê tăng 14%...
Theo kế hoạch, Tập đoàn AEON, nhà phân phối lớn của Nhật Bản - sẽ nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật lên 1 tỷ USD (khoảng 110 tỷ yên) vào năm 2025, gấp 4 lần so với năm 2017.
Bộ Công thương khẳng định, doanh nghiệp Việt đang có nhiều lợi thế về tận dụng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang Nhật nhờ 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản đang được thực thi.
Trong số 19,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi (mẫu AJ, VJ và CPTPP) cho lượng hàng hóa trị giá 7,4 tỷ USD, tương đương tỷ lệ 38,35%.
Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng C/O theo các Hiệp định AJCEP, VJEPA và CPTPP cao trong năm 2020 có thể kể đến như rau quả (71%), nhựa và sản phẩm nhựa (90%), giày dép (92%).
Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)
Cụ thể, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 FTA song phương, đa phương, bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và gần nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Điều quan trọng nữa là, cả hai nước cùng tham gia những hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.
Với những cam kết trong mỗi FTA, tùy từng mặt hàng mà doanh nghiệp có thể lựa chọn FTA nào để thủ tục cấp C/O thuận lợi, mà vẫn nhận được ưu đãi thuế quan.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: “Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại, sản phẩm điện tử, nhiên liệu… những doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn về hầu hết các sản phẩm này đã tranh thủ khai thác tối đa để tăng giá trị xuất khẩu lẫn ưu đãi thuế.
Thời gian qua, doanh nghiệp trong nước đã tận dụng khá tốt ưu đãi thuế quan từ các FTA khi xuất khẩu sang thị trường này. Trong số 19,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi (mẫu AJ, VJ và CPTPP) cho lượng hàng hóa trị giá 7,4 tỷ USD, tương đương tỷ lệ 38,35%.
Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng C/O theo các Hiệp định AJCEP, VJEPA và CPTPP cao trong năm 2020 có thể kể đến như rau quả (71%), nhựa và sản phẩm nhựa (90%), giày dép (92%).
Nông thủy sản, thực phẩm thay đổi để tăng tốc
7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp. Xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng trên 15%; lâm sản đạt 10,2 tỷ USD, tăng 54%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16%.
Riêng xuất khẩu nông, lâm, sản sang thị trường Nhật trong 7 tháng qua này đạt trên 1,9 tỷ USD. Dù vậy, tính chung giá trị xuất khẩu cả nhóm hàng nông thủy sản và thực phẩm mới chỉ chiếm khoảng 8,2% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Nhật Bản.
Thông tin về thị trường nông sản, thực phẩm tại Nhật Bản, ông Makoto Nakamura, Chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế cho biết, thị trường thực phẩm bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi Nhật hiện có quy mô khoảng 409 tỷ USD, còn thị trường thực phẩm, rau quả tại khách sạn, nhà hàng khoảng 227 tỷ USD.
“Nhật Bản có nhu cầu lớn về mặt hàng trái cây tươi, chè, các loại hạt, tôm, cá ngừ và các thực phẩm chế biến… và đây là những mặt hàng thế mạnh mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Makoto Nakamura lưu ý.
Mặc dù hàng nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều tiềm năng được đón nhận tại Nhật Bản, tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý một số đặc thù của thị trường để việc xuất khẩu và bán hàng hiệu quả và bền vững.
Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, vì thế, các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú trọng đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại nhằm đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Chẳng hạn, các sản phẩm sữa đậu nành của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) hay sản phẩm nước dừa, sữa dừa chế biến mang nhãn hiệu VietCoco của Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới thông qua sự kết nối của Thương vụ, đang được bán tại Nhật Bản với nhiều chủng loại và nhận được sự yêu thích của đông đảo người tiêu dùng.
Đại diện Công ty Dừa Lương Quới cho biết: “Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định tự do thương mại như CPTPP, EVFTA… cơ hội mở rộng thị trường sẽ nhiều hơn với những sản phẩm tiêu chuẩn cao, do đó, định hướng chiến lược của VietCoco sẽ đầu tư mạnh vào sản phẩm để phát triển giá trị thương hiệu dừa Việt Nam để tiến sâu hơn vào Nhật và nhiều thị trường lớn khác”.
Trong khi đó, sản phẩm của Vinasoy đã phủ sóng rộng rãi gần như hầu hết lãnh thổ Nhật Bản, với gần 1.000 cửa hàng và siêu thị tại 45/47 tỉnh, thành phố.