“Giai đoạn 2021 - 2030 có ý nghĩa quyết định đối với mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp. Tôi hy vọng, Đại hội XIII của Đảng sẽ tạo dấu ấn mới, tạo ra cải cách đồng bộ và mạnh mẽ về thể chế nhằm tận dụng thời cơ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Thưa ông, một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Đại hội XIII là Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông suy nghĩ thế nào về mục tiêu này?
Sau gần 35 năm Đổi mới, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phi thị trường sang kinh tế thị trường, nước ta đã đạt được những thành quả khá toàn diện và đã rút ngắn được khoảng cách tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Năm 2010 đánh dấu mốc phát triển quan trọng khi nước ta chuyển từ một nước thu nhập thấp sang nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng nếu xét về GDP tính theo đầu người thì vẫn còn khiêm tốn. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người mới đạt khoảng 3.000 USD, nên nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” là hiện hữu.
Như vậy, 10 - 15 năm tới là thời kỳ rất quan trọng, không chỉ để nước ta tiếp tục rút ngắn sự tụt hậu so với thế giới và khu vực, mà còn có ý nghĩa lớn hơn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, tăng tiềm lực kinh tế để giữ vững quốc phòng, an ninh, đồng thời tạo thế đứng cho Việt Nam trong quan hệ khu vực và quốc tế.
Để làm được như vậy, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, phải hành động với khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc, phải có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tạo sức lan tỏa đến nhân dân, tạo niềm tin lâu dài cho doanh nghiệp và tương lai của các thế hệ để vượt qua chính mình.
Vậy theo ông, đâu là vấn đề quan trọng nhất trong bài toán phát triển ở giai đoạn này?
Trong bài toán phát triển, cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao như một quyết tâm chính trị để tính bài toán ngược lại về nguồn lực và động lực. Kinh nghiệm của những quốc gia thành công về công nghiệp hóa trong nửa cuối thế kỷ XX đều dựa vào quyết tâm chính trị của cả dân tộc.
Thông thường, nếu GDP tăng bình quân 7,2%/năm, thì sau 10 năm, GDP tuyệt đối tăng gấp đôi. Năm 2020, GDP của Việt Nam đạt khoảng 300 tỷ USD, nếu đạt mức tăng trưởng bình quân như trên, thì đến năm 2030, GDP đạt con số tuyệt đối là 600 tỷ USD (ở đây chưa tính đến sự thay đổi tỷ giá VND và sức mua tương đương - PPP). Do đó, tôi cho rằng, giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta cần đặt mục tiêu tăng GDP bình quân khoảng 7,5%/năm như một quyết tâm chính trị.
Trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, có thể đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 tăng bình quân 7,5 - 8%/năm. Chương trình trung hạn 2 năm 2021 - 2022 tập trung vào mục tiêu phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19 và tạo điều kiện để doanh nghiệp tái cơ cấu thị trường, nên tăng trưởng GDP có thể dưới 7%, nhưng từ năm 2023, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn, nếu chúng ta đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả về thể chế, đồng thời tận dụng được các FTA.
Vậy cần phát huy những lợi thế nào để kế hoạch 5 năm 2021-2025 có thể đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 tăng bình quân 7,5 - 8%/năm, như ông vừa đề cập?
Xét về tiềm năng, địa - kinh tế của quốc gia và thời cơ của thời đại có bước nhảy vọt về thành tựu khoa học - công nghệ, nếu biết tận dụng để khai thác có hiệu quả 4 trụ cột kinh tế sau đây, thì việc đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,5 - 8%/năm là điều không phải không khả thi.
Một là, khai thác hiệu quả nhất nền nông nghiệp nhiệt đới, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thông qua đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và ứng dụng công nghệ cao.
Hai là, khai thác lợi thế của kinh tế biển (bao gồm các khu kinh tế ven biển); lợi thế của quốc gia “mặt tiền biển”, phát triển các khu kinh tế ven biển và dịch vụ cảng - logistics. Kinh tế biển không chỉ tạo sức lan tỏa cho các ngành kinh tế khác phát triển, mà còn phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh, gìn giữ chủ quyền biển đảo.
Ba là, phát triển ngành công nghiệp du lịch nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến của du lịch toàn cầu.
Bốn là, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa (đây là dư địa rất lớn khi nước ta đô thị hóa chưa đến 40%).
Những vấn đề như ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế kỹ thuật số hay đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp… chỉ là cách thức để phát triển nhanh 4 trụ cột trên.
Tôi muốn nhấn mạnh phát triển kinh tế bền vững theo tôn chỉ: tăng trưởng kinh tế nhanh, an toàn và chất lượng cả hệ thống kinh tế, chứ không riêng ngành nào hay lĩnh vực nào. Câu hỏi được đặt ra là, trong nền kinh tế hiện nay, những lĩnh vực nào có nhiều dư địa để phát triển? Dư địa không phải ở những ngành kinh tế cụ thể, mà chính là ở thể chế. Nền kinh tế Việt Nam còn quá nhiều dư địa để phát triển nếu tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, mà trước hết là tư duy Nhà nước làm thay thị trường và ở thái cực khác là bắt thị trường làm thay Nhà nước (lạm dụng hình thức xã hội hóa).
Mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ không mang lại hiệu quả
Đúng 10 năm trước, ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XI, ông cũng từng nêu vấn đề đổi mới thể chế kinh tế tốn kém ít, hiệu quả cao. Vì sao cải cách thể chế vẫn khiến ông đặc biệt quan tâm?
Đúng, tôi đã từng nêu vấn đề cải cách thể chế từ Đại hội XI. Đến nay, tôi cho rằng, hoàn thiện và đồng bộ hóa thể chế kinh tế thị trường vẫn là động lực của động lực.
Nhiệm kỳ tới, theo tôi, cần ưu tiên giải quyết những trục trặc từ mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, không phải từ lý luận, mà cụ thể hóa trong từng đạo luật về quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực về chức năng quản lý của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường.
Khi đặt ra một nội dung quản lý, chúng ta cần đặt ra các câu hỏi: Quản lý để đạt mục đích gì? Đây là việc của Nhà nước hay của thị trường? Nhà nước không làm thay thị trường, nhưng cũng không thể bắt thị trường làm thay việc của Nhà nước. Đây đang là tồn tại lớn hiện nay.
Vấn đề đặt ra là, nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả, mà tính mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm. Điển hình nhất là hàng chục đạo luật về kinh tế được Quốc hội ban hành tại nhiệm kỳ trước, thì trong nhiệm kỳ này phải sửa vì những mâu thuẫn, xung đột khi thực thi.
Ông có thể nói cụ thể hơn những quan điểm đổi mới, hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước?
Việc hoàn thiện thể chế, theo tôi, cần dựa trên 5 nhóm quan điểm.
Thứ nhất, làm rõ và minh định chức năng Nhà nước, với tư cách là một trong 3 chủ thể của kinh tế thị trường (Nhà nước; người sản xuất và người tiêu dùng hay Nhà nước; doanh nghiệp và người dân). Nhà nước không làm thay thị trường và làm thay người dân trong quan hệ dân sự. Đây là cơ sở để xây dựng bộ máy công vụ và hành chính công quyền.
Thứ hai, xóa bỏ tư duy “cơ cấu kinh tế địa phương”; tách biệt hoạt động kinh tế với hành chính công quyền; hình thành các vùng kinh tế; xây dựng các chương trình phát triển quốc gia thay cho các loại chính sách ưu đãi tràn lan.
Thứ ba, xóa bỏ tư duy lồng ghép công vụ quốc gia và công vụ địa phương. Không có công vụ nhà nước chung chung. Đây là nền tảng xây dựng mô hình chính quyền địa phương; cụ thể hóa cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Trung ương và địa phương theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước; kiểm soát lạm quyền; bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các cơ quan dân cử địa phương.
Thứ tư, tách biệt ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Xóa bỏ cơ chế “ngân sách lồng ghép” gọi chung là ngân sách nhà nước như hiện nay. Đây là cơ sở để cải cách nền tài chính quốc gia. Xóa cơ chế xin - cho về ngân sách.
Thứ năm, phát huy vai trò của các định chế phi lợi nhuận, thay cho quan điểm xã hội hóa về dịch vụ công như hiện nay. Dịch vụ công ích, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ, được Nhà nước cung cấp một phần gián tiếp qua các định chế phi lợi nhuận.
Trong bài toán phát triển, cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao như một quyết tâm chính trị để tính bài toán ngược lại về nguồn lực và động lực.
Thể chế kinh tế thị trường không thể vận hành trôi chảy bởi một bộ máy hành chính về bản chất gắn với thuộc tính của nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương như hiện nay. Tính thống nhất của nền hành chính quốc gia đã biến thành tính đồng nhất của bộ máy hành chính. Đây là nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, hiệu lực.
Tóm lại, dù tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu có nhiều biến động khó lường, hậu quả của Covid-19 đối với kinh tế thế giới còn kéo dài trong vài năm tới, nhưng cơ hội mở ra cho nền kinh tế Việt Nam vẫn là xu hướng tích cực. Vấn đề tận dụng được cơ hội hay không tùy thuộc vào yếu tố chủ quan trong nước, trong đó, hiệu quả của cải cách thể chế đóng vai trò quan trọng nhất.
Sớm có Chương trình trung hạn “hậu Covid-19"
Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và hai chữ “bất định” được nhắc đến nhiều hơn khi bàn về các cơ hội phục hồi kinh tế. Nhận định của ông về triển vọng năm 2021 như thế nào?
Tôi kỳ vọng, 2021 là năm bắt đầu thời kỳ “hậu Covid-19”, nên cũng là năm chuyển tiếp từ thời kỳ “bình thường mới” sang thời kỳ “bình thường” đối với mọi hoạt động kinh tế. Như thế, kinh tế nước ta hoàn toàn có khả năng tăng trưởng trên 6%/năm (có thể tăng 6,5 - 7%). Thật ra, nếu năm 2021, tăng trưởng 6,5%, thì trong 2 năm 2020 - 2021 cũng chỉ tăng bình quân khoảng 4%/năm so với năm 2019.
Những thành quả kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong năm 2020 cho thấy quyết tâm chính trị rất cao, nhất là của Chính phủ trong mối quan hệ Nhà nước - thị trường, chứ không hoàn toàn do sự điều chỉnh của thị trường, nên mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế ngay năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 cũng phải thể hiện quyết tâm chính trị để vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để phát huy mọi nguồn lực phát triển.
Là chuyên gia kinh tế, đồng thời cũng là nhà tư vấn kinh tế dày dạn kinh nghiệm, ông có "hiến kế" gì về giải pháp để kỳ vọng sẽ thành hiện thực?
Trước mắt, vẫn cần tiếp tục những giải pháp tình thế để giúp doanh nghiệp bám trụ và phục hồi.
Về tài khóa, cần xây dựng riêng một “gói trợ cấp thất nghiệp” và xem đây là giải pháp chính trong chính sách an sinh xã hội. Rà soát đối tượng cần thiết kéo dài biện pháp giảm, miễn thuế, phí đang thực thi đến giữa năm 2021.
Về tiền tệ, ưu tiên hỗ trợ tín dụng và lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự báo nguy cơ tăng nợ xấu để chủ động kiểm soát (tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác là điều không tránh khỏi). Mở rộng tín dụng tiêu dùng để kích thức sức mua của thị trường.
Về đầu tư, bên cạnh việc tháo gỡ các điểm nghẽn của đầu tư công, cần tháo gỡ điểm nghẽn của đầu tư tư nhân trong việc triển khai các dự án liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng, thẩm định tác động môi trường…
Còn về doanh nghiệp, cần đánh giá những doanh nghiệp đầu đàn trong từng lĩnh vực ở mọi thành phần kinh tế trước nguy cơ gãy đổ do thua lỗ, mất thanh khoản, nhất là những doanh nghiệp đang có dư nợ tín dụng lớn ở các tổ chức tín dụng, để từ đó có hỗ trợ phù hợp.
Cùng với việc mở rộng tín dụng tiêu dùng và kích thích thị trường du lịch nội địa, cần xây dựng giải pháp đồng bộ kết nối “ tay ba”: lưu trú - lữ hành - vận tải, nhằm tạo ra các gói du lịch giá rẻ, thanh toán linh hoạt.
Vậy còn giải pháp trung hạn phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế - vấn đề được nêu đậm nét tại Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII thì sao, thưa ông?
Về kinh tế vĩ mô, theo tôi, cần xây dựng chính sách chủ động về lạm phát mục tiêu, tỷ giá, lãi suất, bội chi ngân sách, nợ công. Chủ động tăng mức nợ công/GDP và lạm phát cơ bản khoảng 3% trong 2 năm 2021 - 2022 nhằm mở rộng dư địa cho chính sách tài khóa và tín dụng. Tận dụng xu hướng giảm lãi suất huy động để tăng nhanh thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, chuyển dần việc huy động vốn sang thị trưởng vốn, giảm áp lực tín dụng của ngân hàng thương mại.
Cũng cần sớm có Chương trình trung hạn gọi là “hậu Covid-19” để phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là thúc đẩy doanh nghiệp tái cơ cấu thị trường, giảm lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc (cả đầu vào lẫn đầu ra); đồng thời gắn với cơ hội thực thi CPTPP, EVFTA và RCEP. Đây mới là vấn đề căn cơ đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
5 năm tới được xem là thời kỳ “bất khả tiên liệu” trên tất cả các lĩnh vực địa - kinh tế, địa - chính trị, nên thương mại quốc tế, toàn cầu hóa, chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công nghệ… sẽ thay đổi nhanh chóng. Những vấn đề của bài toán phát triển của các quốc gia trong giai đoạn công nghiệp hóa mang tính truyền thống, như nước ta hiện nay, sẽ hoàn toàn thay đổi trong tương lai. Do đó, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là làm thế nào thiết kế hệ thống chính sách kinh tế khả dĩ, có thể thích ứng với sự biến đổi của thế giới và các khu vực kinh tế. Cần đặt “chương trình số hóa nền kinh tế” là trọng tâm của nội dung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025.
Với Chương trình trung hạn, cần chuyển những quyết tâm và sáng tạo của Chính phủ trong giai đoạn “chống dịch như chống giặc” hiện nay thành quyết tâm và sáng tạo trong giai đoạn “hậu Covid-19” thông qua từng chính sách cụ thể. Từ trong vùng tối của đại dịch toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tuy đang đứng trước nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội 2021 - 2025 như kỳ vọng.