Ám ảnh tấn công mạng
Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), năm 2024, các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam liên tục đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trên không gian mạng. Đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về số lượng và quy mô các vụ tấn công. Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức lớn như VNDirect, PVOIL, Vietnam Post và các cơ sở y tế, giáo dục… cho thấy bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.
Báo cáo của NCA cho thấy, có tới 46,15% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đã từng bị tấn công mạng ít nhất 1 lần trong năm qua, trong đó 6,77% thường xuyên bị tấn công. Tổng số vụ tấn công mạng trong năm ước tính lên tới hơn 659.000 vụ.
Còn theo báo cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, chỉ tính riêng các đơn vị trọng yếu đã có tới hơn 74.000 cảnh báo tấn công mạng, trong đó có 83 chiến dịch tấn công có chủ đích APT.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết: “Tình trạng tấn công mạng hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao nhận thức, đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng tiên tiến. Cần đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý và chia sẻ thông tin kịp thời. Đây là những yếu tố quyết định để bảo vệ không gian mạng quốc gia và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong kỷ nguyên số”.
Tấn công có chủ đích APT phổ biến nhất 2024
Tấn công có chủ đích APT là hình thức tấn công phổ biến nhất năm 2024. Theo thống kê của NCA, có tới 26,14% các vụ tấn công trong năm là tấn công APT sử dụng mã độc gián điệp nằm vùng. Có 4 loại lỗ hổng thường bị tin tặc khai thác để tấn công có chủ đích gồm: Lỗ hổng trong các phần mềm đang sử dụng; Lỗ hổng trong quy trình quản lý, cấu hình, phân quyền; Lỗ hổng từ các chuỗi cung ứng (Supply Chain) không đảm bảo an toàn, an ninh; Lỗ hổng do con người trong hệ thống.
Ngoài nguy cơ bị đánh cắp thông tin, dữ liệu, các cơ quan, doanh nghiệp còn phải đối mặt với mối đe dọa bị mã hoá dữ liệu tống tiền. Theo khảo sát, có tới 14,59% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đã bị tấn công bằng mã độc ransomware trong năm qua. Đây là tỷ lệ đáng báo động bởi hình thức tấn công này rất nguy hiểm, mang tính “sát thương” cao. Khi đã bị mã hoá dữ liệu, không có cách nào để giải mã, hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp bị gián đoạn, đặc biệt uy tín bị ảnh hưởng.
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo, để đảm bảo an ninh mạng, các tổ chức cần thực hiện rà soát lỗ hổng hệ thống thường xuyên, bao gồm việc quét và đánh giá toàn diện các ứng dụng, phần mềm và thiết bị mạng, đồng thời cập nhật các bản vá bảo mật kịp thời. Thực hiện giám sát an ninh mạng 24/7 để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Xây dựng và duy trì kế hoạch ứng phó sự cố rõ ràng, đảm bảo có phương án sao lưu và phục hồi dữ liệu định kỳ, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố.
Dự báo an ninh mạng năm 2025
NCA dự báo, trong năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về an ninh mạng, đặc biệt khi có nhiều sự kiện kinh tế, chính trị và ngoại giao quan trọng dự kiến sẽ diễn ra trong năm. Sẽ có nhiều vụ việc tấn công mạng mang màu sắc gián điệp, phá hoại. Các kỹ thuật tấn công mạng ngày càng tinh vi, đa dạng, vũ khí mạng được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để tăng khả năng dò tìm, khai thác lỗ hổng. Những hình thức tấn công chính vẫn là tấn công chủ đích APT, mã độc gián điệp spyware và mã hoá dữ liệu tống tiền ransomware. Các hệ thống điều khiển công nghiệp, xe tự hành, máy bay không người lái (drone) sẽ là mục tiêu mới của tin tặc.
Sự xuất hiện của các siêu máy tính, chip lượng tử với khả năng tính toán cực lớn mở ra những cơ hội nhưng cũng kéo theo những thách thức lớn cho an ninh mạng, đặc biệt là thách thức cho các hệ thống, thuật toán mã hoá. Sự gia tăng giá trị của các đồng tiền số (crypto currency) có thể làm tăng nguy cơ tấn công mạng, đặc biệt là các vụ trộm tiền số qua ví điện tử, sàn giao dịch hay thanh toán tiền chuộc dữ liệu bằng tiền số.
Doanh nghiệp, tổ chức sẽ phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ tiên tiến như các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thông tin tình báo an ninh mạng để cải thiện khả năng phát hiện và ứng phó sớm.