Tân Chủ tịch COSCO không có đường lùi

(ĐTCK) Mới đây, ông Ma Zehua, 60 tuổi đã chính thức được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch China Ocean Shipping Company (COSCO), tập đoàn vận tải biển lớn nhất của Trung Quốc, thay ông Wei Jiafu, 63 tuổi chuẩn bị nghỉ hưu.
Ông Ma Zehua Ông Ma Zehua

Đồng thời với chức Chủ tịch, ông Ma Zehua còn đảm nhiệm luôn cả chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn (COSCO là tập đoàn kinh tế nhà nước). Theo một số nguồn tin của Trung Quốc, việc bổ nhiệm ông Ma Zehua đã được Ban Tổ chức Trung ương (của Đảng Cộng sản Trung Quốc) và Chính phủ nước này thống nhất thông qua.

Như vậy, giờ đây, ông Ma Zehua nắm trong tay quyền lực cao nhất tại COSCO. Theo nhiều người am hiểu nội tình COSCO, ông Ma Zehua nhận trọng trách lớn với sứ mệnh rõ ràng là năm nay bằng mọi cách phải “cắt lỗ”, không được để COSCO tiếp tục lỗ.

Nguyên do là, trong 2 năm gần đây, COSCO đã bị lỗ nặng, tới hơn 3 tỷ USD. Cụ thể, năm 2012, COSCO bị lỗ ròng 9,56 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,54 tỷ USD) và trước đó, năm 2011, cũng đã lỗ 10,45 tỷ nhân dân tệ (1,69 tỷ USD).

Khoản thua lỗ toàn cỡ tỷ USD trong 2 năm liên tiếp của COSCO đồng nghĩa với việc cổ phiếu của Tập đoàn này niêm yết tại Sở GDCK Thượng Hải nhận được sự đối xử đặc biệt theo quy định tại đây. Theo đó, biên độ giá giao dịch hàng ngày của cổ phiếu một công ty báo lỗ hai năm liên tục sẽ bị khống chế trong khoảng 5%, so với mức chuẩn 10%. Hơn nữa, những công ty bị lỗ 3 năm liên tục sẽ bị đình chỉ niêm yết, còn những công ty lỗ 4 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết. Vì thế, để còn tiếp tục được giao dịch cổ phiếu tại Sở GDCK Thượng Hải, COSCO không được phép lỗ trong năm nay.

Giá cổ phiếu của COSCO cũng đã rơi tự do, giảm gần 95% trong vòng 6 năm qua, từ đỉnh cao 68,4 nhân dân tệ/cổ phiếu năm 2007 xuống còn 3 nhân dân tệ/cổ phiếu hiện nay.

Giờ đây, ông Ma Zehua đứng trước tình huống được ví như ngồi trên lưng hổ và không có đường lùi.

Người tiền nhiệm của ông, ông Wei Jiafu là nhân vật nổi tiếng trong ngành vận tải biển Trung Quốc. Ông này đã có hơn 40 năm lăn lộn với nghề hàng hải, là thuyền trưởng khi mới 28 tuổi, là một trong những thuyền trưởng trẻ nhất trong lịch sử ngành hàng hải Trung Quốc. Từ tháng 11/1998 đến đầu tháng 7/2013 (liên tục gần 15 năm), ông là Chủ tịch COSCO và đã có công lớn trong phát triển đội tàu. Đội tàu của COSCO đã tăng từ con số 564 chiếc tháng 11/1998 lên hơn 700 chiếc hiện nay. Cần phải nói thêm ở đây là, các mảng kinh doanh của COSCO bao gồm vận tải container, vận tải hàng rời khô và vận hành cảng biển. Hiện, COSCO là hãng vận tải hàng rời khô (như xi măng, ngũ cốc, quặng…) lớn nhất thế giới và COSCO cũng lọt vào Top 10 hãng tàu biển lớn nhất thế giới. Song từ năm 2008 trở lại đây, tình hình kinh doanh vận tải biển không chỉ của riêng Trung Quốc, mà của toàn thế giới đã đổi chiều, rơi vào suy thoái. Không chỉ COSCO, mà nhiều hãng vận tải biển khác đều bị lỗ. Chẳng hạn, China Shipping Co., một hãng vận tải biển lớn khác của Trung Quốc năm 2011 lỗ 2,7 tỷ nhân dân tệ. Ngay cả Maersk Line, hãng vận tải biển bằng container lớn nhất thế giới của Đan Mạch năm 2011 cũng bị lỗ 600 triệu USD (năm 2012, may mắn đã có lãi 2,6 tỷ USD).

Trong tình hình chung như vậy, COSCO lại còn đầu tư khá mạnh ra nước ngoài. Năm 2012, COSCO đã đầu tư 1 tỷ euro (hơn 1,3 tỷ USD) mua lại 60% cổ phần của Piraeus, cảng biển lớn nhất ở Hy Lạp.

Trước kết quả kinh doanh yếu kém, ông Wei Jiafu đã thừa nhận: “Tập đoàn đã bị một khoản lỗ lớn, vì một số lý do, gồm sự mất cân đối cung - cầu vận tải biển, mức giá chở hàng thấp hơn, chi phí tăng cao hơn…”. Tuy nhiên, ông cũng không bị khiển trách hay kỷ luật, mà được rút về tuyến sau, chờ nghỉ hưu.

Theo các chuyên gia, chỉ số Baltic Exchange Dry Index, thước đo về giá vận tải các mặt hàng nguyên vật liệu thô bằng đường biển, đồng thời cũng được xem như một “hàn thử biểu” kinh tế, vẫn ở mức thấp trong vòng 1 năm qua.

Vì thế, dự báo, COSCO tiếp tục đối diện với những áp lực lớn trên thị trường vận tải hàng rời khô. COSCO dự kiến nhu cầu vận tải hàng rời khô sẽ tăng trưởng chậm trong năm nay, song vẫn kỳ vọng sự chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu sẽ thu hẹp. Tình hình phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng có dấu hiệu tăng chậm lại trong mấy quý gần đây. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý II/2013 chỉ đạt 7,5%, giảm so với mức 7,7% của quý I/2013 và 7,9% của quý IV/2012.

Trong bối cảnh như vậy, ông Ma Zehua đã dũng cảm nhận trọng trách, sẵn sàng đối phó với thử thách. Tuy không có đường lùi, song trong trường hợp xấu nhất, ông chắc chắn cũng sẽ được bố trí về… nghỉ hưu, vì đã đến tuổi.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục