Tân binh Mediplatex (MED): Ẩn số đầu tư bất động sản

(ĐTCK) Tìm hiểu về cổ phiếu MED của CTCP Dược Trung ương Mediplantex vừa chào sàn HNX tháng 3/2020, nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn về định hướng lấn sân sang đầu tư bất động sản và cách lựa chọn đối tác hợp tác đầu tư của Công ty này.
Tân binh Mediplatex (MED): Ẩn số đầu tư bất động sản

Ở ngành nghề kinh doanh cốt lõi là dược phẩm, năm 2019, MED đạt 728,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 5,99% so với năm 2018, ghi nhận năm giảm thứ 3 liên tiếp kể từ 2016.

Ở lĩnh vực đầu tư bất động sản, MED đang theo đuổi các dự án có quy mô lớn nhưng lại hợp tác với các đơn vị có ít năng lực và kinh nghiệm.

Cụ thể, MED góp 5% vốn vào dự án Tòa nhà Bình An – Cowaclmic tại Khu đất 118 Nguyễn Văn Trỗi, Thanh Xuân, Hà Nội (hợp tác cùng CTCP Lắp máy điện nước và xây dựng). Công ty này có năng lực tài chính thấp, năng lực đầu tư dự án theo tự nhận xét của doanh nghiệp là “còn nhiều hạn chế”.

Khu vực nhà máy số 1 tại số 356-358 Giải Phóng có diện tích 10.464 m2 là khu đất nằm trong nội đô và đã được quy hoạch chức năng cây xanh, trường học và nhà ở, MED đã ký hợp đồng với CTCP Tân Phú Cường để hợp tác đầu tư, chuyển đổi khu đất. Công ty Tân Phú Cường công bố trên website của doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án tại TP HCM nhưng chưa có dự án nào hoàn thành.

Khu đất thuộc nhà máy số 2 tại Mê Linh, Hà Nội có diện tích 19.500 m2, theo quy hoạch phía đông khu đất được xác định chức năng là đất cây xanh còn phía tây được xác định là chức năng đất hỗn hợp. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2019, MED cũng đã thông qua chủ trương tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, xây dựng, khai thác kinh doanh khu đất này trong tương lai.

MED còn hợp tác với CTCP Sông Châu để xây dựng tổ hợp công trình, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán Central Residence (pháp nhân là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Smart City) tại khu đất số 190, tổ 14, Nam Từ Niêm, Hà Nội với mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng. Được biết, đây vốn là xưởng hoá dược MED trước đây, có diện tích gần 35.000 m2.

Trong khi đó, nhu cầu đầu tư nhà máy mới của MED đang cần nguồn lực lớn của công ty thì việc lấn sân sang bất động sản của doanh nghiệp khiến nhà đầu tư không khỏi e ngại về việc dàn trải nguồn lực.

Báo cáo tài chính của MED cho thấy, tiền gửi ngân hàng và tương đương tiền đến cuối năm 2019 mới chỉ đạt 68 tỷ đồng, trong khi MED đã nhận 100 tỷ đồng tiền đặt cọc hợp tác dự án với Tân Phú Cường.

Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của MED, gia đình ông Trần Hoàng Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty, đang là nhóm cổ đông lớn nhất với tổng sở hữu 47,62%, đứng thứ 2 là Tổng công ty Dược Việt Nam với 11,37%. Ông Dũng là nhà đầu tư tại TP HCM, đã tham gia HĐQT của MED các nhiệm kỳ (thông qua hợp tác tất cả các dự án bất động sản trên).

Là thành viên mới của thị trường chứng khoán, cổ phiếu MED vừa chào sàn HNX vào giữa tháng 3/2020. Hiện cổ phiếu MED đứng tại mức giá 42.700 đồng/CP khi đóng cửa phiên 15/4, giảm nhẹ 5,11% sau 1 tháng giao dịch.

Nguyễn Đoàn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục