Thực - hư tin đồn
Gần đây, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu DBD tăng đến từ thông tin Công ty chuẩn bị nới room sở hữu nước ngoài lên 100%, mở đường cho đối tác ngoại tham gia sâu vào Công ty, nhưng trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu có diễn biến giảm.
Còn IMP, với đặc trưng luôn kín room ngoại, thì có diễn biến ngược lại, giá cổ phiếu tăng. Nguồn cơn xuất phát từ tin đồn về tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc sau khi tìm hiểu đầu tư vào 2 doanh nghiệp đã quyết định “chọn bên này, bỏ bên kia”.
Diễn biến đáng chú ý khác tại IMP là nhóm quỹ VinaCapital đã bán hơn 300.000 cổ phiếu trong phiên 10/2/2020.
Sau giao dịch, nhóm quỹ VianaCapital giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,02% xuống 5,41%. Điều này tạo điều kiện “hở room” tại IMP và ghi nhận khối ngoại mua ròng hơn 132.000 đơn vị trong phiên 18/2.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tập đoàn Hàn Quốc quan tâm và thực hiện song song việc tìm hiểu cả 2 doanh nghiệp là IMP và DBD. Nhưng hiện nay, tiến trình vẫn chưa có gì mới.
Tập đoàn vẫn đang đánh giá tác động của dịch bệnh do vius Covid-19 cũng như đánh giá, phân tích từng doanh nghiệp.
“Cho đến thời điểm này, chưa ai có thể khẳng định rằng thương vụ đã chốt, có kết quả như thị trường đồn đoán”, nguồn tin nói.
Liên hệ với DBD, lãnh đạo Công ty cho biết, hoạt động của doanh nghiệp vẫn đang diễn ra bình thường. Về việc nới room, trong tuần sau, Công ty sẽ gửi hồ sơ lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để xin nới room ngoại lên tối đa 100%.
DBD có nhiều đối tác quan tâm đầu tư, nhưng Công ty chưa chốt danh sách cuối cùng nhằm có thời gian cân nhắc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp với định hướng phát triển.
Trong đó, đối tác Hàn Quốc vẫn đang trong quá trình tìm hiểu Công ty.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc DBD chia sẻ, kỳ vọng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ hỗ trợ Công ty thực hiện các dự án đầu tư mới tại Khu kinh tế Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn.
Đồng thời, DBD mong muốn tiếp cận công nghệ mới, được chuyển giao công nghệ một số sản phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được, có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn cũng như quản trị cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Công ty.
Thêm vào đó, với sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, DBD hy vọng sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm.
Thông thường, trong các thương vụ đầu tư vào ngành dược Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài mong muốn mua được cổ phiếu với tỷ lệ sở hữu chi phối tại các doanh nghiệp dược nội địa có lợi thế cạnh tranh.
Điều này có thể thấy rõ ở Công ty cổ phần Pymepharco (PME) với đối tác Stada, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) với Taisho, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) với Abbot…
Với DBD, Công ty đã có nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về việc nới room ngoại lên 100%, đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục và hiện không có cổ đông lớn nước ngoài nào.
Theo đó, nếu DBD hoàn tất mở room thì nhà đầu tư ngoại sẽ thuận lợi tăng sở hữu cổ phiếu thông qua chào mua công khai từ cổ đông hiện hữu và gom mua trên sàn.
Trong khi đó, IMP thường xuyên kín rooom ngoại, nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư tài chính nước ngoài như các quỹ của Dragon Capital, VinaCapital, Quỹ KWE Beteilgungen AG.
Đối tác ngoại muốn tăng sở hữu tại IMP sẽ phải thoả thuận, đàm phán với các nhà đầu tư ngoại khác; còn muốn sở hữu chi phối trên 51% thì phải chờ, vì chưa có thông tin về việc Công ty nới room ngoại.
Lợi thế cạnh tranh của DBD và IMP
Xét về yếu tố cơ bản, cả DBD và IMP đều có lợi thế cạnh tranh trong ngành.
Cụ thể, DBD là một trong các doanh nghiệp đầu ngành dược Việt Nam về các sản phẩm thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, nhóm thuốc viên Non-Betalactam, nhóm thuốc viên nang mềm và nhóm thuốc dung dịch thẩm phân máu.
Định hướng của DBD là tăng tỷ trọng mảng thuốc ung thư nhằm phát huy thế mạnh. Do đặc trưng bệnh ung thư và chi phí nghiên cứu, đầu tư công nghệ lớn, thuốc ung thư thường có giá trị cao so các loại thuốc generics thông thường.
Trong các doanh nghiệp dược nội địa, sản phẩm thuốc điều trị ung thư của DBD hiện không có đối thủ cạnh tranh khi dây chuyền sản xuất của Công ty đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và có nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo DBD, năm 2020, DBD đặt kế hoạch doanh thu 1.450 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ nhóm hàng sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất; lợi nhuận trước thuế 215 tỷ đồng, cổ tức dự kiến duy trì 15%.
Trong năm 2020, Công ty sẽ tái đánh giá 11 dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-WHO; đánh giá mới 3 dây chuyền sản xuất, trong đó có 2 dây chuyền sẽ tìm đối tác để đạt chứng nhận GMP-EU.
Công ty cũng sẽ triển khai đánh giá GMP cho dây chuyền sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đồng thời, DBD dự kiến đưa nhà máy thuốc ung thư mới đi vào hoạt động trong quý III/2020. Đây là nhóm sản phẩm có thế mạnh đã tạo dựng được uy tín trong các cơ sở điều trị.
Năm nay, dự kiến doanh thu nhóm sản phẩm này chiếm khoảng 12% tổng doanh thu và lợi nhuận chiếm khoảng 15%.
Còn IMP là một trong những doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất thuốc hiện đại, sở hữu các dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP-EU, với định hướng đấu thầu kênh ETC nhóm 1 và 2.
Hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất nhóm thuốc kháng sinh và đặc trị đạt tiêu chuẩn GMP-EU là IMP và PME.
IMP có 4 nhà máy, gồm Nhà máy Đồng Tháp (IMP1) với các nhà máy Non-betalactam và nhà máy Penicillin theo tiêu chuẩn WHO; Nhà máy kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc (IMP2) theo tiêu chuẩn GMP-EU;
Nhà máy công nghệ cao Betalactam Bình Dương (IMP3) với hai nhà máy Cephalosporin và Penicillin đều đạt tiêu chuẩn GMP-EU; Nhà máy IMP4 là nhà máy dược công nghệ cao Bình Dương đã nhận chứng nhận GMP-WHO, theo kế hoạch sẽ xét duyệt tiêu chuẩn GMP-EU vào cuối quý I/2020.
Năm 2020, IMP đặt mục tiêu đạt 1.750 tỷ đồng doanh thu, tăng 23%; lợi nhuận trước thuế trước khi trích Quỹ phát triển khoa học công nghệ là 260 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2019.