Ông Ðào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN Việt Nam: Thúc đẩy việc xử lý tài sản bảo đảm
Ðể tạo điều kiện cho hệ thống TCTD triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Ðề án 1058, NHNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao chú trọng một số vấn đề. Cụ thể, yêu cầu các tòa án địa phương ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu.
Ông Ðào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN Việt Nam.
Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp chỉ đạo việc hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ.
Chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan đẩy mạnh hơn nữa quá trình sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các TCTD xử lý nợ xấu.
Chỉ đạo Bộ Tài chính sớm chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế.
Ðồng thời, giao Bộ Tư pháp sớm chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn cơ quan thi hành án các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Nghị quyết 42. Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang.
Chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở thực hiện Nghị quyết 42 và phân công trách nhiệm hỗ trợ quá trình thực hiện phương án thu giữ tài sản bảo đảm; quy định cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo an ninh, trật tự nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.
Trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn khác của nhà nước để sớm tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Sớm xử lý những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế hỗ trợ nguồn vốn của nhà nước, cấp bù lãi suất… để các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu tiên, ưu đãi, các dự án trọng điểm, các chương trình tín dụng chính sách và an sinh xã hội nhằm hoàn thành mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ giao.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered, kiêm Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng: Số hóa và an ninh mạng sẽ tiếp giữ vị trí quan trọng nhất
Có 5 nội dung chính tôi muốn đề cập nhằm giúp ngành ngân hàng có thể đóng góp và hỗ trợ tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered, kiêm Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng.
Thứ nhất, chuẩn mực đạo đức và minh bạch trong ngành ngân hàng nên tiếp tục được tập trung để phát triển môi trường kinh doanh và tạo nên nền kinh tế toàn diện, cạnh tranh công bằng.
Thứ hai, số hóa và an ninh mạng sẽ tiếp giữ vị trí quan trọng nhất. Trong chương trình đẩy mạnh mục tiêu số hóa và đơn giản hóa thủ tục, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cho phép tự động hóa hệ thống thanh toán kết nối với các kênh trực tuyến và đơn giản hóa thủ tục, chứng từ.
Thứ ba, lĩnh vực tài chính phi ngân hàng nên được quy định hợp lý, đặc biệt trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng, trong đó việc kiểm soát các yêu cầu về vốn và thanh khoản, cũng như thực tiễn thu hồi nợ đóng vai trò quan trọng.
Thứ tư, “cho vay thế chấp” nên được loại trừ ra khỏi số liệu cho vay bất động sản. Danh mục này nên được khuyến khích với mục đích cung cấp nhà ở cho người dân với điều kiện các khoản vay đó được kiểm soát hợp lý, ví dụ dựa trên tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản (loan to value) một cách thận trọng.
Thứ năm, việc triển khai Basel II sẽ tiếp tục cải thiện các tiêu chuẩn quản trị trên thị trường. Là một mắt xích trong quy trình này, các ngân hàng nên được chỉ định xếp hạng và hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa trên vốn, tỷ lệ thanh khoản và chiến lược.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank: Tăng vốn điều lệ là vấn đề cấp thiết
Kiến nghị tuy cũ nhưng Agribank vẫn muốn nhắc lại đó là vấn đề tăng vốn điều lệ. Thực tế, để dự phòng khả năng vi phạm tỷ lệ an toàn vốn khi giải ngân cho nhu cầu sản xuất vụ Ðông Xuân, tháng 12 vừa qua, Agribank đã phải huy động 4 nghìn tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tự tăng vốn cấp hai, trong đó đóng góp của chính người lao động Agribank là đáng kể.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank.
Một vấn đề khác, Agribank đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương hỗ trợ Ngân hàng hoàn thành phương án sử dụng đất để sớm bắt đầu thực hiện quy trình cổ phần hóa.
Cuối cùng, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung Nghị định số 96/2014/NÐ-CP ngày 17/10/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng; đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại Thông tư số 12/2018/TT-BTC ngày 31/1/2018 về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD cho phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng nói chung và các ngân hàng có quy mô lớn nói riêng, đảm bảo mục tiêu giáo dục, phòng ngừa và răn đe của pháp luật xử lý hành chính.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa hơn nữa Ðiểm c, Khoản 1, Ðiều 3, Luật Xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định của Chính phủ, vì thực tế có những khoản vay chỉ 15 - 20 triệu đồng (số này Agribank chiếm tỷ lệ khá cao) nhưng cũng có khoản vay hàng nghìn tỷ đồng; có hành vi vi phạm quy chế cho vay có thể dẫn đến mất vốn phải xử lý hình sự, nhưng cũng có hành vi vi phạm quy chế cho vay hoàn toàn do khách quan có thể khắc phục được, chỉ cần rút kinh nghiệm hoặc cảnh cáo. Nếu không được lượng hóa cụ thể thì rất dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt hoặc phạt hành chính tràn lan, hạn chế tính pháp chế trong thực thi pháp luật.
Cuối cùng, nhân Hội nghị này, Agribank xin phép được gửi tới Thống đốc NHNN kiến nghị sớm phê duyệt phương án xử lý pháp nhân ALCI cho Agribank.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HÐQT VietinBank: Tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước
Ðể xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, bên cạnh những giải pháp đã được thực hiện, VietinBank xin kiến nghị với Chính phủ, NHNN việc cần phải mở rộng hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; tiếp tục có các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể, chi tiết hơn một số nội dung của Nghị quyết 42; cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt, tích cực hơn giữa các bộ, UBND các tỉnh, thành phố và cơ quan truyền thông nhằm hỗ trợ cho quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HÐQT VietinBank.
Ðối với các khách hàng có nợ bán cho VAMC, trường hợp nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ, VAMC xem xét cơ cấu lại nợ phù hợp, ngân hàng thẩm định cho khách hàng tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động, tạo nguồn trả nợ cho ngân hàng thì đề nghị cho phép nhà băng được phân loại nợ nhóm 1 để hỗ trợ khách hàng phát triển kinh doanh.
Ðề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Ðể góp phần hỗ trợ quá trình này, VietinBank sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong quá trình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nhằm lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, tư vấn tài chính, tư vấn tái cấu trúc; đồng thời đồng hành với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HÐQT BIDV: Cần thiết phải chuẩn hóa và cấp chứng chỉ cho nhân sự hoạt động ngân hàng
Thứ nhất, Ðề nghị Chính phủ, các bộ ngành, NHNN tiếp tục điều hành chính sách vĩ mô đồng bộ; phát triển thị trường chứng khoán như một kênh vốn dài hạn chủ yếu của nền kinh tế; chia sẻ và giảm áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HÐQT BIDV.
Thứ hai, hiện nay, chỉ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước ở mức thấp, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN quan tâm, có các biện pháp nâng vốn điều lệ. Ðối với BIDV, trước mắt, tháo gỡ các điều kiện ràng buộc với nhà đầu tư nước ngoài, để Ngân hàng có thể hoàn tất giao dịch trong thời gian sớm nhất.
Thứ ba, NHNN phối hợp các bộ ngành, trình Chính phủ chỉnh sửa Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ tư, ngành ngân hàng là một ngành đặc thù, cần thiết phải chuẩn hóa và cấp chứng chỉ cho nhân sự hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các vị trí quản trị rủi ro, kiểm soát hoạt động, giao dịch viên. Việc này xin đề nghị Thống đốc giao cho Vụ Tổ chức cán bộ, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng xây dựng đề án và triển khai thực hiện.