Tín hiệu thị trường tích cực
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết: “Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế đó là các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện đã khởi sắc theo chiều hướng tích cực hơn so với trước đây. Sau khủng hoảng cũng như trải qua các vấn đề vấp phải thì những người điều hành trong lĩnh vực ngân hàng sẽ thận trọng hơn. Các nhà băng không còn ồ ạt đẩy vốn cho vay khi không kiểm soát tốt rủi ro. Đặc biệt là đối với những lĩnh vực tín dụng: chứng khoán, bất động sản”.
“Tuy các tồn đọng chưa thể một sớm một chiều có thể xử lý dứt điểm nhưng các ngân hàng thương mại đang tích cực đẩy mạnh xử lý nợ xấu và dần mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để xử lý dứt điểm, đồng thời nâng cao quản trị để hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Câu chuyện nợ xấu hiện nay không còn là bài toán nặng nề như trước đây”, vị chủ tịch trên nói và khẳng định rằng, hoạt động ngân hàng không còn ảnh hưởng nhiều bởi câu chuyện nợ xấu.
“Thực tế, lợi nhuận của ngân hàng trong năm qua đạt mức khả quan phần lớn do đã đẩy lùi được bài toán nợ xấu, giảm dự phòng”.
Theo phân tích của vị Chủ tịch HĐQT trên thì thị trường đang có nhiều sự “ủng hộ” với hoạt động ngân hàng. Cụ thể, thị trường bất động sản vẫn duy trì sự tăng trưởng sẽ không chỉ giúp các ngân hàng xử lý nhanh món nợ xấu mà còn tác động tích cực lên hoạt động cho vay.
Chính sách tiền tệ đang được điều hành linh hoạt giúp kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, tỷ giá ổn định, lãi suất đang giảm dần… là những nhân tố “rất thuận” cho các ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ và thu lợi nhuận tốt.
Theo ghi nhận trên thị trường, hầu hết các ngân hàng đều đặt mức tăng trưởng cao về tỷ lệ hoặc số tuyệt đối về lợi nhuận. Chẳng hạn OCB, Sacombank đưa ra kế hoạch tăng trưởng gấp đôi lợi nhuận trước thuế cho năm 2018 ở mức lần lượt 2.000 tỷ đồng, 1.800 tỷ đồng. Techcombank, VPBank đều đặt mục tiêu lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng trong năm nay.
Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng còn cho biết, ban đầu chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến chỉ 12.000 tỷ đồng trước thuế cho năm 2018, nhưng xét thấy mức đó có tỷ lệ tăng trưởng hơi thấp nên dự kiến chỉ tiêu trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới sẽ được nâng lên 13.000 tỷ đồng trước thuế, để có tốc độ tăng trưởng tốt hơn.
ACB cũng có mục tiêu lợi nhuận 5.699 tỷ đồng cho năm nay. HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng 65,3% lên gần 4.000 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 34,99%, nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 148.510 tỷ đồng…
Đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại sẽ chính thức bước vào mùa đại hội. Các chỉ tiêu lợi nhuận sẽ lần lượt được công bố. Bước đầu đã có những tốc độ tăng trưởng dự kiến 35 - 40%, có trường hợp đã công bố mục tiêu tăng trên 60% như HDBank.
Trông chờ vào tín dụng nhỏ, lẻ
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết: "Khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận cho năm 2018 chúng tôi cũng đã có sự tính toán kỹ lưỡng và có cơ sở để đạt được mức lợi nhuận đề ra. Trong đó, HĐQT và Ban điều hành đã có sự tính toán kỹ nguồn thu từ các mảng sẽ đóng góp vào tổng lợi nhuận ngân hàng năm nay".
Cụ thể, với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ và tăng thu ngoài lãi đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận của Ngân hàng OCB trong năm qua, vào khoảng 25 - 30% và dự kiến trong năm nay mảng kinh doanh này cũng sẽ đem lại nguồn thu lớn cho Ngân hàng. Lợi nhuận ngân hàng năm nay cũng được dự báo sẽ tích cực khi nợ xấu dần được đẩy lùi và dự phòng rủi ro giảm.
“Sở dĩ lợi nhuận của Ngân hàng năm 2017 đạt mức khả quan (hơn 1.000 tỷ đồng sau thuế - PV) một phần nhờ đã tích cực trong xử lý nợ xấu, giảm trích lập dự phòng rủi ro chỉ khoảng 300 tỷ đồng. Sang năm 2018, Ngân hàng đề ra mục tiêu tổng tài sản đạt 115.700 tỷ đồng, tăng trưởng 37%; huy động vốn tăng 36% lên 104.407 tỷ đồng; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 25% đạt 60.679 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng gần gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2018, lợi nhuận trước thuế của OCB ước đạt trên 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện 30% kế hoạch năm”, ông Tuấn chia sẻ.
Tài chính tiêu dùng đang được xem là nguồn thu lớn cho các ngân hàng, chẳng hạn FE Credit luôn được xem là “con gà đẻ trứng vàng” khi một nửa lợi nhuận của VPBank do công ty này mang lại.
Năm 2016, FE Credit đạt hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và năm 2017 chiếm hơn 51% tổng lợi nhuận đạt được của VPBank là hơn 8.1000 tỷ đồng. VBank tiếp tục kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận cao trong năm 2018, trong đó phần lớn từ FE Credit.
Tương tự, trong tổng lợi nhuận đạt được năm qua của HDBank (hơn 2.400 tỷ đồng trước thuế), HD Saison đóng góp khoảng 35%. Theo dự tính của HDBank, năm 2018, lợi nhuận của HD Saison trên 1.000 tỷ đồng trước thuế.
HD Saison cũng là cái tên đã rất quen thuộc với thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt là 3 năm trở lại đây sau khi được HDBank mua lại từ SGVF và bán 49% vốn cho Tập đoàn tài chính Nhật, đổi tên thành HD Saison. Đáng chú ý, vào đầu năm 2018, HD Saison được chú ý nhiều hơn khi Ngân hàng mẹ HDBank- chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán.
Kết thúc quý I năm nay, HDBank thu về hơn 1.040 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó HD Saison đóng góp gần 400 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, bên cạnh tín dụng, việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cũng sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng năm nay, khi dự phòng rủi ro giảm. Một dấu hiệu đáng mừng khác là tổng nợ nhóm 5 của toàn hệ thống ngân hàng, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối năm 2017 đã giảm 8,3% so với đầu năm, xuống còn 20.725 tỷ đồng, chỉ chiếm 34,2% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi 6 tháng đầu năm 2017 lên tới 51,5%.