Tâm thế và khát vọng

(ĐTCK)  Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, nhưng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa còn yếu, bài viết này nêu một số đề xuất trọng tâm để phát triển kinh tế tư nhân, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên hùng cường và thịnh vượng.
TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng Ngân hàng MB, Tiến sĩ Đại học Paris Dauphine

Vị trí và vai trò của khối kinh tế tư nhân

Khối kinh tế tư nhân (KTTN) là khu vực quan trọng của nền kinh tế khi đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng GDP suốt 13 năm qua (Hình 1).

Hiệu quả thấp

Tuy có đóng góp lớn trong tăng trưởng GDP, nhưng KTTN lại có hiệu quả thấp, thậm chí kém hơn khối kinh tế nhà nước và thua xa khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (Hình 2).

Cụ thể, theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2011, khối KTTN sử dụng 62% lực lượng lao động và 51% vốn sản xuất, nhưng chỉ tạo ra 25% lợi nhuận. Năm 2022, các con số này lần lượt là 59%, 59% và 38% lợi nhuận. Trong khi đó, năm 2022, khối FDI chỉ sử dụng có 24% lực lượng lao động và 16% lượng vốn, nhưng tạo ra 38% lợi nhuận.

Điều đó cho thấy các các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quá bé và chủ yếu tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp nên hiệu quả không cao. Đây là thách thức lớn nhưng lại là cơ hội nếu Chính phủ có những chính sách cải thiện hiệu quả của khối doanh nghiệp này, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Sức cạnh tranh yếu

Nếu như năm 2010, khối doanh nghiệp trong nước chiếm 53% kim ngạch xuất khẩu và 56% kim ngạch nhập khẩu, thì đến năm 2024, khối doanh nghiệp trong nước chỉ còn chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu và 37% kim ngạch nhập khẩu. Ngược lại, trong cùng kỳ, khối FDI tăng thị phần kim ngạch xuất khẩu từ 47% lên 71% và nhập khẩu từ 44% lên 63% (Hình 3)

Vị thế thấp

Trong giai đoạn 2016 - 2024, Việt Nam luôn có thặng dự thương mại, trong đó 3 năm gần nhất có thặng dư lớn (năm 2022 đạt 12 tỷ USD, năm 2023 đạt 28 tỷ USD, năm 2024 đạt 25 tỷ USD), giúp hỗ trợ ổn định tỷ giá, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn vào những con số này (Hình 4) thì thấy, thặng dư thương mại trên là nhờ khối doanh nghiệp FDI, trong khi cán cân thương mại của khối doanh nghiệp nội địa luôn thâm hụt và ngày càng sâu suốt 13 năm qua.

Câu hỏi đặt ra là, điều gì sẽ xảy ra khi các yếu tố về môi trường kinh doanh như nhân công giá rẻ, các ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác của Việt Nam không còn hấp dẫn khối FDI, hay các tác động trong cuộc ganh đua giữa các nước lớn làm thay đổi chiến lược của khối này?

Nghiêm trọng hơn, số liệu này hàm ý khối kinh tế trong nước có vị thế thấp trong chuỗi cung ứng, chủ yếu tập trung vào sản xuất các mặt hàng có giá trị thấp, phục vụ tiêu dùng trong nước hơn là xuất khẩu như khối FDI.

Để vươn mình, không thể đứng trên đôi chân của người khác

Điều này càng đúng trong một thế giới phân cực và bất định như hiện nay. Do đó, việc nâng cao sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng và KTTN nói chung là một yêu cầu cấp bách như đã được đặt ra tại Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị. Để vươn mình, Việt Nam cần có các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tầm cỡ khu vực. Vậy đâu là giải pháp?

Để Việt Nam vươn mình, cần có những doanh nghiệp tầm cỡ khu vực, mạnh mẽ tiến ra thị trường quốc tế

Khôi phục đầu tư tư nhân

Việc cần làm đầu tiên có lẽ là phải vực dậy lòng tin của kinh tế nghiệp tư nhân, thúc đẩy họ đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tại sao lại phải tập trung vực dậy đầu tư tư nhân. Đơn giản vì nó lớn.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng kinh tế, nhưng động lực mở rộng đầu tư của khối KTTN trong 5 năm qua suy giảm mạnh, không bằng 50% so với giai đoạn 2014 - 2019. Lý do chắc chắn không phải do lãi suất, vì lãi suất hiện nay rất thấp, ở vùng đáy 10 năm, mà vấn đề ở đây là lòng tin và tinh thần của doanh nghiệp.

Để giải quyết điểm nghẽn này, ngoài khôi phục lòng tin, Chính phủ phải đảm bảo một môi trường pháp lý bảo vệ chắc chắn quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời kiến tạo hình thành một môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, cần phân định rõ hơn chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Những việc gì Nhà nước không nên làm hoặc nên phân cho khối tư nhân thực hiện (như kinh doanh) thì nên chuyển giao và không nên can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Thay vào đó, cần tập trung cho việc xây dựng một nền hành chính hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả, tập trung cho những công việc thuộc quản lý vĩ mô như chiến lược, quy hoạch, thể chế, chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng...

Khai thác các FTA theo chiều sâu

Giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã rất thành công với việc phát huy đòn bẩy xuất khẩu để kích thích tăng trưởng với phạm vi bao phủ của các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương phủ khắp đến gần 90% GDP của thế giới. Để tiếp tục phát huy sức mạnh này, Việt Nam cần tập trung khai thác sâu những FTA hiện nay, tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt tăng cường hội nhập sâu với các nước và các tổ chức kinh tế khu vực nhằm giảm thiểu các tác động của chính sách thuế quan.

Khai thác sâu chuỗi giá trị trong nước

Như số liệu ở Hình 3 chỉ ra rằng, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là nhờ đóng góp của khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực như dịch vụ truyền thống, xây dựng, bất động sản, chưa có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu để tạo giá trị thặng dự.

Do đó, Chính phủ cần xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam bằng cách nghiên cứu cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp FDI khi đạt tỷ lệ nhất định trong việc sử dụng nhà cung cấp Việt Nam, cũng như áp dụng chính sách khuyến khích đặc biệt cho các SME Việt Nam khi đáp ứng được tỷ lệ cung ứng cho doanh nghiệp FDI, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Xây dựng các tập đoàn tầm cỡ khu vực

Việt Nam sẽ không thể vươn mình nếu không có những doanh nghiệp tầm cỡ khu vực, mạnh mẽ tiến ra thị trường quốc tế.

Do đó, Chính phủ cần công khai và thể hiện quan điểm rõ về những lĩnh vực ưu tiên, danh sách doanh nghiệp trong trong danh sách trắng để xã hội, người dân, các cơ quan quản lý giám sát, hỗ trợ và bảo vệ những đóng góp chính đáng và định hướng, hỗ trợ các ngành nghề xuất khẩu mũi nhọn. Kiện toàn khung chính sách bảo vệ quyền tự do kinh doanh, cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư ra nước ngoài...

Để làm được việc này, Nhà nước và doanh nghiệp phải thực sự song hành để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, triển khai, thực thi hiệu quả và tập trung vào những việc mình làm tốt theo đúng chức năng. Chẳng hạn, để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, thay vì giao cho một công ty nào đó, Chính phủ có thể thành lập một công ty cổ phần làm chủ đầu tư với cổ đông là Nhà nước và các cổ đông lớn là các công ty muốn tham gia triển khai, như vậy sẽ tạo nên được sức mạnh và xây dựng kinh nghiệm, nuôi dưỡng các công ty trở nên lớn mạnh theo thế mạnh của mình.

Lời cuối

Trong một thế giới bất định, phải lường trước các rủi ro để chuẩn bị tâm thế và các giải pháp ứng phó.

TS. Đàm Nhân Đức
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục