Mọi người sẽ nhớ sự hồi sinh của ông chủ quán cà phê Xin Chào nhờ công lớn của báo chí, nhưng cũng rất khó quên những tổn hại chưa tính hết của Vietfood cũng một phần do báo chí. Đáng tiếc, đây chỉ là những ví dụ điển hình, không phải là tất cả.
Rõ ràng, trong mối quan hệ luôn được coi là đồng hành này, trách nhiệm đang là đòi hỏi tiên quyết từ cả hai phía. Phải nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp các nhà báo và doanh nghiệp tham dự Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam về mối quan hệ này. Thủ tướng đã nói: “Tôi mong rằng, thời gian tới, báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, vì lợi ích chung của cộng đồng, vì thương hiệu doanh nghiệp, vì sản phẩm Việt Nam, để cùng phát triển đất nước chúng ta”.
Nhưng cũng có thể thấy, đòi hỏi trách nhiệm này không chỉ từ hai phía doanh nghiệp và báo chí, khi mục tiêu tối thượng của mối quan hệ trên là sự phát triển của đất nước.
Thời gian qua, báo chí đã dũng cảm tham gia vào cuộc đấu tranh vì một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân, tôn vinh, động viên doanh nhân đóng góp tài năng xây dựng đất nước.
Nhiều lúc, báo chí đã dũng cảm đi đầu, bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân liêm chính. Cộng đồng và doanh nghiệp đã, đang hưởng lợi vì điều đó và cũng cần đồng hành trách nhiệm hơn nữa vì điều đó.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Chính phủ đã và đang chuyển tại những thông điệp vô cùng mạnh mẽ về trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước, của doanh nghiệp. Chính phủ đã cam kết, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; đảm bảo doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Chính phủ cam kết thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp…
Các thông điệp này được thể rõ nét trong Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, vì phong trào khởi nghiệp mới, vì mục tiêu có khoảng 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Có nghĩa, Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế, hoàn thiện bộ máy để không có thêm vụ việc quán cà phê Xin Chào hay Vietfood nào buộc Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp xử lý.
Đương nhiên, một cách sòng phẳng, doanh nghiệp cũng phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã lên tiếng mạnh mẽ hơn về cam kết cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; sự tham gia vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, “người đồng hành” là báo chí không chỉ cần thực hiện tốt sứ mệnh thông tin, truyền thông, mà phải thực sự trở thành đối tác phát triển, thực hiện vai trò giám sát, phản biện và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Trao đổi với báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, báo chí cũng cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân, tôn vinh, động viên doanh nhân đóng góp tài năng xây dựng đất nước. Để thực hiện trọng trách này, cũng như Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, báo chí phải tự nâng cấp, hoàn thiện theo những yêu cầu mới.