Trong đó, điển hình là việc áp dụng khung chính sách và những quy định chính, như: Nghị định 24A về quản lý vật liệu xây dựng, khuyến khích phát triển vật liệu mới thân thiện với môi trường; Kế hoạch hành động về giảm phát thải khí nhà kính trong ngành xi măng, đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính lần lượt là 20 triệu tCO2 và 164 triệu tCO2 vào năm 2020 và 2030;
Chương trình quốc gia về phát triển vật liệu xây không nung, với mục tiêu 30-40% hoặc vật liệu xây dựng không nung vào năm 2020, và Quy chuẩn hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng, quy định các yêu cầu về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng;
Những chương trình hành động này đang đóng góp quan trọng cho cam kết của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu trong các đóng góp quốc gia tự định và Kế hoạch hành động quốc gia cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Để thúc đẩy vật liệu xây dựng bền vững, cần có nỗ lực phối hợp từ tất cả các bên liên quan, để tạo môi trường thuận lợi, khung chính sách và định hình thị trường mà các doanh nghiệp và khu vực tư nhân tạo ra vật liệu cho ngành, khuyến khích thiết kế, sử dụng và nhu cầu của người dùng cuối cùng.
Trong đó, nhằm thực hiện Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ trong những năm qua, đặc biệt trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng với Bộ Xây dựng triển khai nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật giúp cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để sản xuất và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây không nung có chất lượng ngày càng cao và hiệu quả.
Mục tiêu cao nhất của Dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.
Mức phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.
Được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Dự án là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng với sự hỗ trợ của UNDP và các đối tác tham gia, Dự án được đã được triển khai thành công với các chỉ tiêu hầu hết đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra như giảm phát thải trực tiếp 1.512.955 tấn CO2, tiết kiệm năng lượng tương đương 36.560 tấn dầu, thị phần gạch không nung đạt 28,5% vào năm 2019 (tăng 15,5% so với năm 2015) thông qua các dự án trình diễn và nhân rộngvới sự hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và hỗ trợ chính sách của Dự án.
Số lượng các dự án nhân rộng đã vượt chỉ tiêu đề ra do Chính phủ tạo cơ sở thuận lợi với các chính sách thúc đẩy sản xuất và sử dụng gạch không nung được ban hành mới hoặc sửa đổi, người dân và các cấp & các ngành đã quan tâm hơn, các doanh nghiệp tham gia Dự án đã đầu tư hơn 86 triệu USD cho sản xuất gạch không nung.
Sau khi thực hiện các dự án trình diễn và nhân rộng, các doanh nghiệp có thể thực sự đầu tư cho gạch không nung.
Một khung pháp luật tốt hơn được phê duyệt và thực thi để khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung, và năng lực và sự hiểu biết của các cơ quan của Chính phủ được tăng cường để điều tiết sự phát triển và sử dụng gạch không nung.
Các nhà cung cấp dịch vụ trong nước có tay nghề và năng lực chuyên môn sẵn có hơn cho các nhà máy gạch không nung và sự hiểu biết của các nhóm đối tác về việc sử dụng gạch không nung được nâng cao.
Sự hỗ trợ tài chính được tăng cường và khả năng tiếp cận trở nên bền vững hơn cho việc ứng dụng công nghệ gạch không nung. Lòng tin vào việc ứng dụng công nghệ GKN được tăng cường giúp gia tăng thị phần của gạch không nung trong thị trường gạch nói chung.
Nhiều chính sách được ban hành với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án. Chẳng hạn như Nghị định số 139/NĐ-CP được ban hành ngày 27/11/2017 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; Thông tư số 13/2017/TT-BXD được ban hành ngày 8/12/2017 về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng;
Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT được ban hành ngày 30/3/2018 không khuyến khích nhập khẩu các thiết bị sản xuất gạch không nung cho dây chuyền sản xuất có công suất nhỏ hơn 20 triệu viên quy chuẩn/năm để thúc đẩy chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung trong nước; 11 quyết định, kế hoạch hoặc chính sách do 11 Ủy ban nhân dân các tỉnh & thành phố được ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất, sử dụng gạch không nung và xóa bỏ lò gạch thủ công, giảm gạch đất sét nung....
Dự án đã hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ tài chính cho các dự án sản xuất gạch không nung thông qua hợp tác với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Dự án Các-bon thấp hiệu quả năng lượng.
26,45 triệu USD được Quỹ Bảo vệ môi trường cho vay ưu đãi và Vietinbank cho vay thương mại cho 33 doanh nghiệp để đầu tư gạch không nung.
Có thể nói, sau 5 năm hoạt động, Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thành công Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ với mục tiêu tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường.
Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Tôi xin cám ơn sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án.
Sau khi kết thúc chương trình này, chúng ta cần tổng hợp các bài học kinh nghiệm thực tiễn của Dự án và các đối tác để xuất bản thành các tài liệu về gạch không nung vì nội dung rất thiết thực và liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều chính sách.
Qua đó, tạo nền tảng để triển khai tốt hơn nữa Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục thúc đẩy sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.