Tâm lý vẫn dẫn dắt hành vi của nhà đầu tư

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dịch cúm lây lan nhanh tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường giảm giá trên diện rộng.
Tâm lý vẫn dẫn dắt hành vi của nhà đầu tư

VN-Index giảm gần 55 điểm sau 2 phiên

Trái với kỳ vọng tích cực từ sự ủng hộ của thống kê VN-Index đã có 8/9 đợt tăng điểm trong 5 phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán giai đoạn 2011 - 2019, hay ngay trước kỳ nghỉ Tết năm nay, chỉ số có xu hướng tích cực với 8/10 phiên tăng điểm…, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch mở đầu năm mới Canh Tý giảm điểm sâu nhất kể từ ngày 11/10/2018. Cụ thể, VN-Index đóng phiên đầu Xuân giảm 31,88 điểm, tương đương 3,22%.

Tính riêng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), số cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo với 274 mã, trong đó 27 mã giảm sàn.

Ngược lại, chỉ có 80 cổ phiếu tăng giá. Trong nhóm VN30, tỷ lệ này còn áp đảo hơn khi có 27/30 cổ phiếu giảm giá, chỉ có 2 mã đứng giá và duy nhất EIB có được sắc xanh.

Sự lây lan bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát tại Trung Quốc với những diễn biến phức tạp, số ca nhiễm và số người tử vong tăng nhanh trong suốt thời gian nghỉ Tết được xem là nguyên nhân lớn nhất tác động đến thị trường.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất nhờ vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có chung đường biên giới đất liền kéo dài.

Ðể phòng chống dịch lan rộng, việc áp dụng một số biện pháp hạn chế giao thương tất yếu sẽ khiến lưu lượng hàng hóa bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, với mặt hàng cá tra, số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019 với tỷ trọng 32%, vượt xa Mỹ (14%) và EU (13%).

Dịch bệnh lan rộng dự báo khiến sức cầu tiêu thụ giảm, thông quan khó khăn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu cũng như giá bán.

Với ngành hàng không, để chủ động phòng chống dịch, Bộ Giao thông Vận tải đã tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngược lại.

Là nước chiếm 32,24% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, việc hạn chế du lịch, đi lại giữa hai nước được đánh giá sẽ khiến các các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch bị ảnh hưởng như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN), Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC).

Với vị thế là nền kinh tế hàng đầu thế giới, nguy cơ đình trệ sản xuất tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến giá cả nhiều loại hàng hóa.

Ðơn cử, giá dầu thế giới tính đến ngày 30/1/2020 đã giảm 6 ngày liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong 3 tháng (Trung Quốc cùng với Ấn Ðộ hiện chiếm 1/5 lượng tiêu thụ dầu toàn cầu, trong đó 70% tổng lượng dầu tiêu thụ được nhập khẩu).

Theo Bloomberg, dịch cúm sẽ khiến nhu cầu đi lại trên thế giới chậm lại, nhiều hoạt động kinh tế tại Ðại lục cũng chững lại. Một số nhà máy sản xuất lớn đã thông báo tạm dừng hoạt động…

Với việc Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên liệu và là thị trường tiêu thụ quan trọng của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư lo ngại hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động đến giá cổ phiếu là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, mức giảm điểm đột ngột trên diện rộng, trong thời gian ngắn như phiên giao dịch ngày 30/1/2020 và phiên 31/1 sau đó (VN-Index giảm thêm gần 23 điểm) được coi là bất ngờ.

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp được đánh giá là không chịu thiệt hại từ dịch cúm, thậm chí có thể hưởng lợi.

Chẳng hạn, giá dầu giảm mạnh là thông tin lý giải nguyên nhân thị giá cổ phiếu giảm mạnh tại nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí như GAS, PVD, PVS…, nhưng sẽ đem đến lợi ích cho doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm dầu khí làm nhiên nguyên liệu đầu vào như nhóm sản xuất phân đạm, ngành nhựa, nhóm nhiệt điện khí, hay ngành vận tải có xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí.

Vậy nhưng, trên thị trường, sắc đỏ vẫn bao trùm nhiều cổ phiếu trong các nhóm này như DCM, DPM, BMP, AAA…

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV và cả năm 2019 cũng giảm giá.

Ngược lại, cổ phiếu nhóm ngành dược, thiết bị y tế gần như đồng loạt tăng giá mạnh, dù có hoạt động sản xuất thuốc, cung ứng thiết bị, vật tư y tế nhưng đa số không liên quan đến điều trị, phòng ngừa bệnh cúm và kết quả kinh doanh 2019 kém khả quan.

Có thể lo ngại dịch cúm chỉ là một trong những yếu tố tác động đến thị trường, nhưng mức giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch vừa qua cho thấy một trong những đặc điểm khá rõ nét của thị trường chứng khoán Việt Nam là xu hướng cùng tăng, cùng giảm trước những sự kiện bất thường, thay vì sự đánh giá tác động đến hoạt động của từng doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân của diễn biến này, ngoài yếu tố rủi ro hệ thống tác động, phần quan trọng được đánh giá đến từ tâm lý đám đông vẫn lấn át và chi phối hành động mua bán của nhà đầu tư, tạo ra làn sóng mua đuổi, bán tháo theo thị trường, thay vì đánh giá và lượng hóa các thông tin cụ thể đến doanh nghiệp.

Cơ hội từ những cú sốc

Diễn biến giảm điểm mạnh như trong 2 phiên giao dịch vừa qua không hiếm xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi phản ứng với những tin tức bất thường.

Chẳng hạn, phiên giao dịch ngày 24/6/2016, sau thông tin kết quả phe ủng hộ nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu giành chiến thắng, VN-Index từ mức trên 630 điểm đầu phiên đã giảm đột ngột về dưới 600 điểm sau giờ nghỉ trưa.

Phiên giao dịch 8/5/2014, VN-Index giảm 32,88 điểm (-5,87%), tình trạng bán tháo diễn ra trên diện rộng với lo ngại căng thẳng trên biển Ðông.

Trong phiên 21/2/2013, thị trường đang giao dịch ổn định thì bất ngờ bị bán tháo, VN-Index mất 18,1 điểm, tương đương giảm 3,66% sau tin đồn về ông Trần Bắc Hà (khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV) bị bắt lan truyền.

Năm 2012, tin ông Nguyễn Ðức Kiên (được cho là cổ đông có ảnh hưởng tại nhiều doanh nghiệp và ngân hàng) bị bắt, khiến VN-Index giảm gần 5%, từ ngày 21 đến 23/8.

Sau khi thị trường sụt giảm vì những cú sốc nêu trên, thị trường hầu như có diễn biến tăng trở lại. Cụ thể, sau phiên 21/2/2013, VN-Index đã tăng 2 phiên, khi tin đồn bị xóa bỏ. Sau phiên 24/6/2016, VN-Index tăng 7 phiên liên tiếp.

Sau phiên 8/5/2014, VN-Index có thêm 1 phiên giảm điểm thì bắt đầu hồi phục (sau 1 tháng, chỉ số tăng gần 11% so với đáy, sau 2 tháng tăng hơn 16% và sau 4 tháng tăng hơn 22%)… Theo đó, nhà đầu tư bắt đáy trong những phiên giảm mạnh nhanh chóng đạt được mức sinh lời cao.

Việc không ít cú sốc đi qua rất nhanh cho thấy, trong khi những nhà đầu tư có tỷ lệ cổ phiếu cao trong tài khoản chịu thiệt hại, lo lắng trước sức giảm điểm của thị trường phải đánh giá, cân nhắc rủi ro và cắt lỗ thì ngược lại, vẫn có nhà đầu tư coi khủng hoảng là cơ hội để mua vào.

Tuy vậy, cũng không thể dùng quá khứ để dự báo tương lai, nhất là trong điều kiện bất thường, bao gồm dịch bệnh - vốn là yếu tố khó có thể dự đoán, nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thực tế, có những phiên giảm điểm mạnh, việc “bắt đáy” không đem lại hiệu quả trong ngắn hạn khi thị trường nằm trong giai đoạn kém khả quan, những bất ổn chưa được giải quyết như sau phiên 24/8/2015, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ; phiên 5/2/2018 khi thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh; hay giai đoạn từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7/2018, điểm số và mặt bằng giá cổ phiếu mất nhiều thời gian để hồi phục.

Biến động bất thường của thị trường là rủi ro, đồng thời đem đến cơ hội tìm kiếm mức sinh lời vượt trội.

Nhưng việc bán theo kỷ luật hoàn toàn khác với bán theo hiệu ứng đám đông, thậm chí với danh mục lướt sóng ngắn hạn, tuân thủ kỷ luật cắt lỗ được xem là cần thiết và được nhiều chuyên viên tư vấn khuyến nghị.

Việc mua vào từng phần với danh mục có tỷ lệ tiền mặt cao hay nhà đầu tư theo chiến lược mua cổ phiếu tốt đầu tư dài hạn cũng khác biệt với việc bắt đáy, mua đuổi khi bị chi phi phối bởi tâm lý tham lam, sợ hãi, chạy theo thị trường.

Bởi vậy, không phải hành động mua/bán, mà lý do vì sao mua, vì sao bán và chiến lược mua/bán như thế nào được đánh giá quan trọng hơn đầu tư.

Nếu chỉ chạy theo theo thị trường, dù có thể có những thành công trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, rủi ro phải gánh chịu thua lỗ, mua cao, bán thấp là khó tránh khỏi.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục