Trái với không khí tưng bừng những ngày cuối năm Kỷ Hợi, phiên khai xuân Canh Tý khá hoảng loạn khi áp lực bán tháo trên diện rộng diễn ra ngay khi mở cửa. Hàng trăm mã giảm sâu kéo thị trường lao dốc mạnh. Diễn biến này đã xóa bỏ hoàn toàn thành quả của gần 2 tuần tăng điểm trước đó khi chỉ số VN-Index đã để mất tới gần 32 điểm, thủng mốc 960 điểm.
Mặc dù đã lưu ý về khả năng điều chỉnh nhưng diễn biến lao dốc 30/1, tạo gap và xuyên thủng luôn vùng hỗ trợ mạnh quanh 970, đã tiêu cực hơn khá nhiều so với kịch bản dự báo trước đó của giới phân tích.
Với tín hiệu này, theo PHS, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm và kiểm định lại vùng hỗ trợ mạnh 940-950 trong phiên tiếp theo. Nếu mất vùng này, thị trường sẽ quay lại xu hướng giảm trước đây. Nhà đầu tư nên chờ đợi phiên hồi phục để hạ dần tỷ trọng về mức thấp, hạn chế bán ra hoảng loạn.
Bước vào phiên giao dịch sáng 31/1, áp lực bán được tiết chế giúp thị trường hãm đà rơi mạnh. Thậm chí, dòng tiền hỗ trợ tích cực đã giúp VN-Index đảo chiều hồi phục thành công sau hơn 20 phút giao dịch.
Tuy nhiên, sắc xanh chỉ kịp le lói trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng bị thay thế bởi sắc đỏ quen thuộc. Trước áp lực bán thường trực khá lớn, trên bảng điện tử, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với hàng trăm mã giảm điểm, đã khiến VN-Index tiếp tục thoái lui.
Sau khi đe dọa mốc 950 điểm, một lần nữa thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, lực cầu chưa đủ mạnh để giúp thị trường khởi sắc trở lại, chỉ số VN-Index dao động quanh mức giá 955 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn diễn biến tiêu cực khi nhiều mã như VCB, BID, CTG, MBB, VPB đã hồi phục, trong đó CTG đang tăng 2,1% lên 24.850 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản thị trường với 3,84 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Đáng chú ý trong nhóm VN30, cổ phiếu CTD biến động quanh mức giá trần. Bên cạnh đó, nhiều mã thị trường vừa và nhỏ cũng duy trì hoặc tìm tới sắc tím như HHS, SJF, DIC, JVC…
Thị trường không có đột biến khi bảng điện tử vẫn có hàng trăm mã mất điểm, chỉ số VN-Index biến động giằng co nhẹ quanh vùng giá 955 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 90 mã tăng và 231 mã giảm, VN-Index giảm 4,43 điểm (-0,46%), xuống 955,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 116,31 triệu đơn vị, giá trị 2.144,37 tỷ đồng, giảm 7,3% về khối lượng và 23,54% về giá trị so với phiên sáng 30/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 366,77 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nới rộng biên độ với BID +1,3% lên 53.400 đồng/CP, CTG +3,1% lên 25.100 đồng/CP, MBB +1,2% lên 21.500 đồng/CP, VCB +0,3% lên 89.200 đồng/CP, STB và VPB cùng tăng gần 1%.
Đây cũng là nhóm cổ phiếu hấp dẫn với giao dịch sôi động, trong đó CTG dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh; MBB khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, STB khớp 3,33 triệu đơn vị, TCB và VPB khớp trên dưới 2,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip cũng tìm lại sắc xanh, giúp thị trường bớt giảm sâu như VHM +0,7% lên 88.000 đồng/CP, MSN +2,4% lên 51.300 đồng/CP, BVH, SAB cũng tăng nhẹ. CTD không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng mạnh +5,9% lên 56.000 đồng/CP.
Trái lại, VJC tiếp tục bị bán mạnh và giảm 7%, kết phiên sáng nay tại mức giá sàn 130.200 đồng/CP. Ngoài ra, đà giảm của chỉ số chung chịu tác động mạnh từ VNM khi để mất 2,6% xuống 113.600 đồng/CP, hay GAS -1,8% xuống 90.300 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tình trạng chung là mất điểm, tuy nhiên vẫn nổi lên một số điểm sáng. Điển hình như HHS có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên mức 3.880 đồng/CP và khớp 2,91 triệu đơn vị, dư mua trần gần 0,35 triệu đơn vị; hay SJF, DIC, JVC cũng bảo toàn sắc tím trong những ngày đầu xuân mới.
Đặc biệt, GAB trong khoảng 1,5 tháng qua, ngoại trừ bị gián đoạn bởi 2 phiên mất điểm, còn lại cổ phiếu này đều tăng kịch trần. Tổng cộng, GAB đã tăng trần 24/26 phiên, với tổng mức tăng lên tới hơn 433%, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 44.200 đồng/CP.
Trên sàn HNX, mặc dù sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo nhưng sự hồi phục tích cực của một số bluechip đã giúp HNX-Index khởi sắc trở lại.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,21%), lên 104,33 điểm với 49 mã giảm và 28 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,97 triệu đơn vị, giá trị 201,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm hơn 6,4 triệu đơn vị, giá trị 58,28 tỷ đồng, đến từ cổ phiếu OCH.
Cũng như sàn HOSE, dòng bank trên HNX giao dịch tích cực. Cụ thể, SHB +4% lên 7.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn, đạt 8,13 triệu đơn vị; ACB +0,42% lên 23.700 đồng/CP và khớp 1,62 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã lớn khác như PVS, VCS, DGC… vẫn mất điểm nhưng đà giảm không quá sâu.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, ART và KLF vẫn giao dịch sôi động với hơn 1,1 triệu đơn vị được khớp lệnh, tuy nhiên chốt phiên cả 2 mã đều giảm sàn.
Trên UPCoM, sau diễn biến rung lắc và le lói sắc xanh vào đầu phiên, thị trường tiếp tục bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,43%), xuống 55,49 điểm với 48 mã giảm và 43 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,79 triệu đơn vị, giá trị 62,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Cổ phiếu BSR tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với hơn 1,46 triệu đơn vị được giao dịch thành công. Chốt phiên BSR -2,5% xuống 7.900 đồng/CP.
Đứng ở vị trí tiếp theo, KSH chuyển nhượng thành công hơn 1,4 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 33,33% lên 400 đồng/CP. Còn lại các mã giao dịch chưa tới nửa triệu đơn vị.