Tâm lý thận trọng bao trùm giới đầu tư

(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tuần mới với một phiên giao dịch ảm đạm ngày thứ Hai (7/6).

Đầu tuần mới, thị trường chứng khoán giao dịch một cách buồn tẻ khi thiếu động lực từ chuyển động kinh tế sau phiên tăng tích cực nhờ báo cáo việc làm vào cuối tuần trước.

Tuần này, giới đầu tư sẽ tập trung chú ý đến dữ liệu lạm phát công bố trong tuần, với chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 dự kiến công bố vào ngày 10/6. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chính sách của Fed trong thời gian tới.

Nhóm G7 hôm thứ Bảy (5/6) đã nhất trí áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15%, một động thái mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi là “cam kết quan trọng, chưa từng có”.

“Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt ‘cuộc đua xuống đáy’ của thuế thu nhập doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động ở Mỹ cũng như trên thế giới”, bà Yellen nói, đồng thời cho rằng, điều này cũng khuyến khích các nước cạnh tranh dựa trên những cơ sở tích cực.

Thuế doanh nghiệp toàn cầu buộc các công ty đa quốc gia như Amazon và Google phải trả nhiều tiền thuế hơn và hạn chế việc chuyển lợi nhuận tới các thiên đường đánh thuế thấp ở nước ngoài.

Trong khi đó, các nhà lập pháp ở Washington đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trở thành hiện thực. Các thành viên Dân chủ đã bắt đầu quá trình chuẩn bị dự luật gói chi tiêu cơ sở hạ tầng cho cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ ngày 9/6 dù có hoặc không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.

Ngoài ra, “cổ phiếu meme” AMC Entertainment Holdings, cổ phiếu đang nhận được sự chú ý trên thị trường trong thời gian gần đây, tăng 14,8%, kéo dài mức tăng 85% của tuần trước. Những “cổ phiếu meme” khác như GameStop và Blackberry cũng ghi nhận tăng từ 7% đến 14%.

Kết thúc phiên 7/6, chỉ số Dow Jones giảm 126,15 điểm (-0,36%), xuống 34.630,24 điểm. Chỉ số S&P giảm 3,37 điểm (-0,08%), xuống 4.226,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 67,23 điểm (+0,49%), lên 13.8881,72 điểm.

Chứng khoán châu Âu hầu hết tăng điểm nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu sản xuất ô tô bù đắp cho đà sụt giảm của nhím cổ phiếu liên quan đến hàng hóa do dữ liệu xuất khẩu kém cỏi của Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp vào ngày 10/6 tới. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến ​​sẽ giữ vững lập trường chính sách ôn hòa hiện tại.

Kết thúc phiên 7/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 8,18 điểm (+0,12%), lên 7.077,22 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 15,75 điểm (-0,10%), xuống 15.677,15. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 27,90 điểm (+0,43%), lên 6.543,56 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ đã giúp giảm bớt lo ngại về việc Fed sớm cắt giảm các chính sách hỗ trợ.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều khi các nhà đầu tư phản ứng không đồng nhất với dữ liệu thương mại mới nhất.

Chứng khoán Hồng Kông giảm điểm khi đà tăng nhóm cổ phiếu tiêu dùng không đủ bù đắp cho tổn thất ở nhóm cổ phiếu tài chính và công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng nhích lên nhờ kỳ vọng Fed sẽ chưa dừng các chính sách hỗ trợ hiện tại.

Kết thúc phiên 7/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 77,72 điểm (+0,27%), lên 29,019,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,7 điểm (+0,21%), lên 3.599,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 130,82 điểm (-0,45%), xuống 28.787,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 12,04 điểm (+0,37%), lên 3.252,12 điểm.

Giá vàng đêm qua tiếp tục duy trì đà tăng nhờ dữ liệu mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy dòng tiền đang có xu hướng chảy mạnh vào kim loại quý. Báo cáo mới nhất của WGC chỉ ra trong tháng 5/2021, các quỹ đầu tư vàng trên toàn cầu đã mua 61,3 tấn vàng sau khi ồ ạt giảm số lượng vàng nằm giữ trong 3 tháng trước.

Kết thúc phiên 7/6, giá vàng giao ngay tăng 7,70 USD (+0,41%), lên 1.899,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 6,80 USD (+0,36%), lên 1.898,80 USD/ounce.

Giá dầu duy trì ổn định trong phiên ngày thứ Hai sau 2 phiên liên tiếp tăng mạnh sau. Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều với kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng tăng 1,5 triệu thùng và kho dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 3,7 triệu thùng.

Kết thúc phiên 7/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 68,81 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,04 USD (-0,05%), xuống 71,85 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục