Theo dữ liệu mới được công bố, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng ít hơn dự kiến trong tuần trước và ở mức gần với mức trước suy thoái kinh tế. Trong khi đó, hoạt động sản xuất ở khu vực giữa Đại Tây Dương của Mỹ mở rộng vào tháng 4 với mức tăng nhanh hơn dự kiến, theo một cuộc khảo sát của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Chi nhánh Philadelphia.
Về phía doanh nghiệp, Morgan Stanley và General Electric công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận gia tăng mạnh trong quý I, trong khi Goldman Sachs cũng tăng nhẹ khi công bố mức lợi nhuận sụt giảm thấp hơn dự kiến.
Những thông tin hỗ trợ này giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi và tăng trở lại vào phiên chiều, mặc dù vậy, Dow Jones lại quay đầu giảm trở lại vào cuối phiên khi chịu ảnh hưởng bởi các cổ phiếu công nghệ lớn như IBM, Google khi cổ phiếu của 2 đại gia công nghệ này giảm giá sau khi báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan ngày trước đó.
Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Dow Jones giảm 16,31 điểm (-0,10%), xuống 16.408,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,54 điểm (+0,14%), lên 1.864,85 điểm. Nasdaq tăng 9,29 điểm (+0,23%), lên 4.095,52 điểm.
Thứ Sáu, thị trường Mỹ nghỉ giao dịch ngày thứ Sáu Tuần Thánh, vì vậy, ngày giao dịch 17/4 là ngày giao dịch cuối cùng trong tuần của Phố Wall. Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,4%, chỉ số S&P 500 tăng 2,7% và chỉ số Nasdaq tăng 2,4%. Chỉ số Dow Jones có tuần tốt nhất từ tháng 12/2013, trong khi chỉ số S&P 500 đóng cửa trong tuần tốt nhất kể từ tháng 7/2013.
Cũng trong tuần giao dịch này, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall giảm tới 21,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2013, cho thấy tâm lý nhà đầu tư rất hưng phấn.
Chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm ngay từ đầu phiên do kết quả kinh doanh yếu kém của một số doanh nghiệp được công bố. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được thông tin tích cực từ bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu đã phục hồi trở lại trong phiên chiều và kết thúc phiên với sắc xanh.
Kết thúc phiên 17/4, chỉ số FTSE tại Anh tăng 41,08 điểm (+0,62%), lên 6.625,25 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 91,89 điểm (+0,99%), lên 9.409,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 26,15 điểm (+0,59%), lên 4.431,81 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản kết thúc phiên 17/4 gần như không đổi so với phiên giao dịch trước đó. Trong khi chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, còn chứng khoán Trung Quốc cũng điều chỉnh trở lại sau tăng nhẹ nhờ dữ liệu GDP quý I cao hơn dự đoán trước đó.
Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng giảm 0,15 điểm (-0,00%), đứng ở mức 14.417,53 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 64,23 điểm (+0,28%), lên 22.760,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 6,24 điểm (-0,30%), xuống 2.098,88 điểm.
Bất chấp những thông tin hỗ trợ về tình hình căng thẳng ở Ukraine, dẫn tới khủng hoảng chính trị gia tăng giữa Nga và phương Tây, giá vàng vẫn chịu áp lực bán ra.
Kết thúc phiên 17/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 7,6 USD (-0,58%), xuống 1.294,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 9,6 USD (-0,74%), xuống 1.293,9 USD/ounce.
Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ giúp giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần. Kết thúc phiên 17/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,54 USD (+0,52%), lên 104,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,07 (-0,06%), xuống 109,53 USD/thùng.