Tâm lý lo lắng vẫn bao trùm giới đầu tư dù dữ liệu kinh tế khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục giao dịch bất ổn trong phiên ngày thứ Năm (19/8) bất chấp dữ liệu kinh tế được cải thiện.
Tâm lý lo lắng vẫn bao trùm giới đầu tư dù dữ liệu kinh tế khả quan

Thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy thị trường lao động tiếp tục được cải thiện mặc dù số ca nhiễm Covid-19 đang trong giai đoạn tăng cao.

Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 14/8 đã giảm 29.000 đơn xuống còn 348.000 đơn, thấp hơn mức 363.000 đơn được dự báo và là mức thấp nhất ghi nhận được từ giữa tháng 3/2020.

Việc chỉ số này giảm xuống dưới mức 350.000 là một cột mốc quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Sau khi báo cáo được công bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng ca ngợi sự tiến bộ trên, lưu ý rằng trung bình hơn 830.000 người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm nay.

Trong khi đó, Fed Philadelphia hôm thứ Năm cho biết, chỉ số đo lường hoạt động sản xuất trong khu vực bao gồm phía Đông Pennsylvania, phía Nam New Jersey và Delaware vẫn cho thấy tăng trưởng nhưng ở mức độ thấp hơn kỳ vọng. Chỉ số trên trong tháng 8 đạt mức 19,4, thấp hơn so với mức 22 được từ các chuyên gia kinh tế dự báo.

Những dữ liệu kinh tế vĩ mô không làm lu mờ được những lo lắng xung quanh việc Fed đang tiến gần đến thắt chặt chính sách tiền tệ đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư trong những phiên gần đây.

Mặt khác, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho quý III từ 9% xuống còn 5,5%, góp phần làm tăng tâm lý tiêu cực. Ngân hàng này cũng nhận thấy lạm phát tăng cao hơn dự báo trong nửa cuối năm nay.

Trong khi Dow Jones đóng cửa giảm điểm thì S&P 500 và Nasdaq Composite khởi sắc nhẹ nhờ cổ phiếu công nghệ toả sáng trong phiên. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, cả S&P Futures, Dow Futures lẫn Nasdaq Futures đều đang đi ngang.

Kết thúc phiên 19/8, chỉ số Dow Jones giảm 66,57 điểm (-0,19%), xuống 34.,894,12 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,53 điểm (+0,13%), lên 4.405,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,87 điểm (+0,11%), lên 14.541,79 điểm.

Chứng khoán châu Âu đêm qua có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng một tháng do giá hàng hóa lao dốc kéo cổ phiếu khai thác lao dốc, trong khi cổ phiếu các hãng xa xỉ bị ảnh hưởng khi đây là lĩnh vực mới nhất bị Bắc Kinh cho vào tầm ngắm đàn áp do lo sợ bất bình đẳng giàu nghèo.

Kết thúc phiên 19/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 110,46 điểm (-1,54%), xuống 7.058,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 200,16 điểm (-0,25%), xuống 15.765,81 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 164,22 điểm (-2,43), xuống 6.605,89 điểm.

Chứng khoán châu Á đỏ lửa trong phiên giao dịch hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng, sau một báo cáo cho thấy, Toyota có kế hoạch cắt giảm sản lượng toàn cầu 40% vào tháng tới do tình trạng thiếu chip.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, kéo lùi bởi các cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu và và cổ phiếu tài chính, khi triển vọng kinh tế ảm đạm làm suy giảm tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc do nhóm cổ phiếu internet bị bán tháo, khi Trung Quốc thắt chặt hơn nữa việc giám sát đối với lĩnh vực công nghệ của nước này.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng do lo ngại về biến thể Delta.

Kết thúc phiên 19/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật giảm 304,74 điểm (-1,10%), xuống 27.281,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,73 điểm (-0,57%), xuống 3.465,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 550,68 điểm (-2,13%), xuống 25.316,33 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 61,10 điểm (-1,93%), xuống 3.097,83 điểm.

Giá vàng đêm lao dốc trong bối cảnh giá dầu thô đi xuống, USD đảo chiều tăng giá sau khi Goldman Sachs hạ dự báo kinh tế Mỹ năm 2021 tăng trưởng xuống mức 6%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước do mức độ lan rộng của biến thể delta gây Covid-19 có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và lạm phát tại Mỹ ngày càng leo thang.

Kết thúc phiên 19/8, giá vàng giao ngay giảm 7,70 USD (-0,43%), xuống 1.780,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 1,40 USD (-0,08%), xuống 1.780,90 USD/ounce.

Giá dầu giảm phiên thứ sáu liên tiếp, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 khi các nhà đầu tư rút lui vì lo ngại nhu cầu toàn cầu suy yếu khi các ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng nhanh và đồng USD tăng giá.

Kết thúc phiên 19/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,71 USD (-2,6%), xuống 63,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,78 USD (-2,6%), xuống 66,45 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục