Tâm lý giao dịch tự tin trở lại

(ĐTCK) Thị trường biến động mạnh trong tuần tổng kết kết quả kinh doanh quý II/2024, nhưng tâm lý giao dịch có phần tự tin trở lại trong phiên cuối tuần.

Bức tranh hoạt động kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp có sự mở rộng, một số doanh nghiệp sản xuất ghi nhận tăng trưởng vượt trội nhờ mức nền thấp năm 2023. Lợi nhuận sau thuế quý II của toàn thị trường tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 12,8% so với quý đầu năm nay.

Bên cạnh đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê tiếp tục cho thấy sự cải thiện qua từng tháng. Nội tại nền kinh tế phục hồi là một trong những điểm mấu chốt trên góc nhìn đầu tư. Song hiệu ứng “tin ra là bán” diễn ra ngay sau hạn cuối công bố báo cáo tài chính quý II. Cách thị trường giảm sốc trong ngày đầu tháng 8 có phần thái quá nếu nhìn vào dữ liệu kinh tế tích cực.

Nhìn lại những phiên hồi phục đầu tuần qua, xét trên độ rộng thị trường, có biểu hiện “thờ ơ” của nhóm chứng khoán và tài nguyên cơ bản. Chính sự không đồng thuận này khiến cho thị trường không còn tự tin ở chiều mua lên. Do đó, kịch bản điều chỉnh để tái thiết lập cung cầu là cần thiết. Chúng tôi đánh giá cao phiên kéo ngược cuối tuần, biên độ nến tăng kèm khối lượng giao dịch tập trung tại nhóm vốn hóa lớn cho thấy, tâm lý giao dịch có phần tự tin trở lại. Ở trạng thái tâm lý nghi ngờ, thị trường chỉ có thể hình thành mẫu nến cân bằng (dạng Doji) sau những phiên bán lớn.

Áp lực bán hạ nhiệt từ phía khối ngoại là điểm sáng, tổng giá trị bán ròng trong tháng 7 đã giảm về mức 8.300 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với 2 - 3 tháng trước đó. Dòng vốn ngoại quay trở lại với số phiên mua ròng dày đặc hơn, đóng vai trò giữ nhịp trong những phiên rung lắc mạnh khi chịu tác động tiêu cực từ liên thị trường, đặc biệt áp lực từ liên thị trường.

Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán châu Á điều chỉnh mạnh, nhóm chỉ số lớn như Kospi, Nikkei 225, HangSheng thủng nền giá trung hạn; tính chung cả tuần, các chỉ số có mức giảm lần lượt là 2,04%, 4,67%, 0,5%. Trong đó, thông tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ nâng lãi suất điều hành từ 0,1%/năm lên 0,25%/năm vào ngày 31/ khiến thị trường chứng khoán khu vực chao đảo. Cơ quan này còn đưa ra lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ dài hạn và nhắc đến khả năng có thể nâng thêm lãi suất trong kỳ họp tháng 10/2024.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông một lần nữa leo thang khi một lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza bị ám sát tại Iran (cả Hamas và Iran cáo buộc vụ việc do Israel thực hiện) và Iran có động thái sẽ đáp trả. Đây là rủi ro mà nhà đầu tư cần phải chú ý theo dõi sát sao. Hiện tại, phản ứng của giá vàng thế giới hướng tới vùng đỉnh cao mới, đạt 2.461 USD/ounce là tín hiệu không tích cực cho giới đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá, mức độ ảnh hưởng từ những yếu tố ngoại biên đó lên nền kinh tế Việt Nam là không đáng kể. Thậm chí, việc BOJ nâng lãi suất sẽ góp phần làm chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) suy giảm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng hạ lãi suất trong tháng 9 tới.

Chúng tôi vẫn hướng nhận định về kịch bản thị trường nỗ lực cân bằng tạo đáy 2 ở vùng điểm hiện tại, vùng cản 1.260 điểm (MA20) là thử thách quan trọng xác nhận thị trường có thể chấm dứt xu thế bán trung hạn hay không. Một số điểm sáng là nền tảng vĩ mô và kết quả kinh doanh tốt, ổn định; độ rộng thị trường, sức mạnh của nhóm cổ phiếu trụ (VN30) được giữ vững, nhóm bất động sản ở vùng “quá bán” khó giảm thêm; VN-Index xuất hiện tín hiệu phân kỳ dương với chỉ báo RSI; khối ngoại và tự doanh giải ngân tích cực trong những phiên điều chỉnh gần đây.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục