“Anh Khánh ơi, em đây!
- Em nào thế?
- Em Trang bên Công ty Chứng khoán X. đây ạ. Hôm nay, em gọi anh để chia sẻ với anh cơ hội đầu tư với các mã “bank” rất xịn xò. Anh rảnh chứ ạ…?”
Bắt đầu câu chuyện cùng người viết, anh Khánh, một nhà đầu tư có thâm niên hơn chục năm trên thị trường chứng khoán chia sẻ về một trong những cuộc điện thoại “vô thưởng vô phạt” mà anh nhiều lần nhận được.
Anh Khánh bảo, lúc mới nghe máy, anh tưởng bên kia là người quen nào đó, lâu ngày đổi số nhưng đến lúc nhân vật “hiện thân” thì mới biết “chân tướng”.
Chuyện “alo sales” có nhiều, mà ở thời buổi dữ liệu cá nhân bị rao bán tràn lan như hiện tại, thật khó để một người nào đó không bị làm phiền bởi các cuộc chào hàng như thế.
“Trong các cuộc điện thoại ngoài “luồng quen” mình nhận được, dễ có đến 70 – 80% là các mời chào đầu tư cổ phiếu, hỗ trợ tài chính - cho vay tiêu dùng…”, anh Nam, một nhà đầu tư khác cho hay.
Anh Nam còn cho biết thêm, không chỉ mời chào mở tài khoản, đầu tư vào các mã trên sàn HOSE, HNX, nhiều lần anh còn nhận được các lời mời đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, hay thậm chí mua cổ phiếu Vinfast tận bên Mỹ với rất nhiều đảm bảo “đầu tư dễ dàng, sinh lời bền vững”…
Một điểm nữa khiến không ít nhà đầu tư khó chịu khi nhận được các cuộc gọi tư vấn đầu tư kiểu này, đó là nhiều trường hợp, bản thân người gọi không khác gì robot, giọng nói vô cảm, tông giọng đều đều, đọc như vẹt mà không biết đầu dây phía người nghe có hứng thú hay không. Thậm chí, khi được hỏi ngược lại, nhiều nhân viên tư vấn còn ú a ú ớ và hẹn chuyển thông tin cho bộ phận chuyên môn hỗ trợ.
Anh Nam cho biết, với những cuộc điện thoại kiểu này, anh thường sẽ dập máy không thương tiếc, thậm chí chẳng cần một câu chào theo phép lịch sự.
Năm 2024 chứng kiến cơn lên đồng của giá vàng, đây cũng là lúc các telesales chào mời khoá học đầu tư về vàng năng nổ hoạt động. Các thông điệp như “Đến với với hội thảo, bạn sẽ được tiếp nhận chiến lược đầu tư vàng online nhân hai, nhân ba tài khoản; bí quyết lựa chọn thời điểm đặt lệnh và chốt lời trên thị trường vàng; cơ hội trao đổi 1:1 với những nhà đầu tư có lợi nhuận cao nhất của chúng tôi”; “Tham gia ngay chuỗi hội thảo của chúng tôi để học cách trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp, bài bản”… liên tục được chào mời tới nhà đầu tư.
Một nhà đầu tư cho hay, các cuộc gọi kiểu này nhiều khi gây rắc rối không đáng có cho anh.
“Một lần, khi gia đình anh đang đi ăn thì anh nhận được cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia thì cứ “Anh à, anh khoẻ không? Công việc anh ổn chứ...”. Mình nhận quá nhiều cuộc gọi kiểu này nên chỉ nghe “nhạc hiệu” đã đoán được chương trình nên tắt máy. Nhưng bà xã mình thì không, chắc thấy chồng có điện thoại lại không nghe mà tắt đi, bà nghi, rồi truy hỏi đến cùng”, nhà đầu tư này nói.
Telesales đang là hình thức tiếp thị, tiếp cận nhà đầu tư phổ biến và được nhiều bên lựa chọn, cũng mang lại những hiệu quả nhất định. Nhưng nếu chỉ làm theo lối mòn và đặc biệt thiếu đi tính cảm xúc, dường như việc gây thiện cảm với nhà đầu tư là không đạt, thậm chí phản tác dụng. Có lẽ, đây cũng là điều mà các bên sử dụng công cụ này nên nhìn lại để không khiến hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu bị xấu đi trong mắt các “thượng đế”.