Tâm lý ảm đạm bao trùm giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu (30/4), khép lại tuần bận rộn nhất của mùa báo cáo kết quả kinh doanh và tiếp tục ghi nhận một tháng giao dịch tích cực.
Tâm lý ảm đạm bao trùm giới đầu tư

Cuối tuần, các nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào kết quả kinh doanh quý I/2021 của những tên tuổi lớn. Trong khi hồ hởi đón nhận kết quả bom tấn từ Amazon, thị trường cũng đồng thời thất vọng trước những con số đến từ Twitter.

Với hơn một nửa số công ty thuộc chỉ số S&P 500 báo cáo thu nhập trong quý cho đến nay, khoảng 87% đã vượt qua kỳ vọng của thị trường, mức cao nhất trong vài năm gần đây, theo Refinitiv.

Mặt khác, tâm lý thị trường thận trọng trong phiên khi chứng kiến các dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ yếu hơn ở Trung Quốc và suy thoái ở châu Âu.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc đã giảm xuống mức 51,1 vào tháng 4 từ mức 51,9 của tháng 3.

Trong khi đó, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào suy thoái kép trong quý I/2021. Đây là đợt suy thoái thứ hai ở Eurozone trong vòng chưa đầy một năm. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong quý I năm nay, sản lượng kinh tế của Eurozone giảm 0,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tuy giảm từ 8,2% trong tháng 2 xuống 8,1% trong tháng 3/2021, nhưng vẫn cao hơn mức 7,1% của tháng Ba năm ngoái.

Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn lạc quan. Bộ thương mại Mỹ cho biết, thu nhập cá nhân ở nước này trong tháng 3/2021 đã tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 7% trong tháng trước. Những khoản viện trợ của chính phủ Mỹ cũng đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại Mỹ tăng 4,2% trong tháng 2, tương đương 616 tỷ USD, so với mức giảm 1% vào tháng 2.

Chỉ số lòng tin tiêu dùng do Đại học Michigan (Mỹ) khảo sát vừa được công bố vào ngày 30/4 cũng đã tăng lên 88,3 trong tháng 4 vừa qua, tăng từ mức 84,9 của tháng Ba và cao hơn mức tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 71,8. Đây là mức cao nhất của chỉ số này kể khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Kết thúc phiên 30/4, chỉ số Dow Jones giảm 185,51 điểm (-0,54%), xuống 33.874,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,30 điểm (-0,72%), xuống 4.181,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 119,86 điểm (-0,85%), xuống 13.962,68 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,50%, S&P 500 giảm 0,02%, Nasdaq Composite giảm 0,39%. Trong tháng 4, chỉ số Dow Jones tăng 2,28%, S&P 500 tăng 4,01%, Nasdaq Composite giảm 3,58%.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu sau dữ liệu GDP ảm đạm, nhưng vẫn đánh dấu tháng tăng thứ ba liên tiếp nhờ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh và sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 30/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 8,33 điểm (+0,12%), lên 6.969,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 18,29 điểm (-0,12%), xuống 15.135,91 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 33,09 điểm (-0,53%), xuống 6.269,48 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 0,45%, DAX giảm 0,94%, CAC 40 tăng 0,18%. Trong tháng 4, FTSE 100 tăng 3,45%, DAX tăng 0,19%, CAC 40 tăng 2,73%.

Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Lo ngại về tình trạng thiếu chip toàn cầu gần đây đã tạo sức ép lên các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, trong khi các nhà đầu tư đã điều chỉnh lượng cổ phiếu nắm giữ trước kỳ nghỉ 5 ngày bắt đầu từ cuối tuần, khiến sắc đỏ tràn ngập thị trường chứng khoán nước này.

Chứng khoán Trung Quốc và chứng khoán Hồng Kông cũng đồng loạt mất điểm sau báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4/2021 chậm hơn dự kiến.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc chứng kiến phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp vào ngày 30/4, khi các nhà đầu tư vẫn lo ngại về diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và việc dỡ bỏ lệnh cấm bán khống sắp tới.

Kết thúc phiên 30/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 241,34 điểm (-0,83%), xuống 28.812,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,04 điểm (-0,81%), xuống 3.446,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 578,38 điểm (-1,97%), xuống 28.724,88 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 36,21 điểm (-0,83%), xuống 3.147,86 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 1,29%, Shanghai Composite giảm 0,19%, Hang Seng giảm 1,22%, KOSPI giảm 1,77%.Trong tháng 4, Nikkei 225 giảm 1,96%, Shanghai Composite giảm 1,08%, Hang Seng giảm 0,74%, KOSPI tăng 1,27%.

Giá vàng phiên ngày thứ Sáu giảm nhẹ, chủ yếu do nhà đầu tư đứng ngoài, thận trọng quan sát chờ đợi thêm các tín hiệu vĩ mô để hành động.

Kết thúc phiên 30/4, giá vàng giao ngay giảm 2,90 USD (-0,16%), xuống 1.769,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 0,60 USD (-0,03%), xuống 1.767,70 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,7%. Trong tháng 4, giá vàng giao ngay tăng mạnh 5,3%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, có 8 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 7 người cho rằng giá vàng đi ngang và như vậy không có dự báo giá vàng sẽ giảm.

Đối với khảo sát trực tuyến với 954 người tham gia, 54% trong số đó tin rằng giá vàng sẽ tăng, 26% cho rằng giá vàng giảm và 20% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần sau số liệu nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản giảm và mối lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại Ấn Độ, quốc gia đang vật lộn với làn sóng Covid-19.

Nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản trong tháng 3/2021 giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 2,34 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, hoạt động nhà máy của nước này tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2018.

Kết thúc phiên 30/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,43 USD (-2,2%), xuống 63,58 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,31 USD (-1,9%), xuống 67,25 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI tăng 2,3%, giá dầu Brent tăng 1,7%. Trong tháng, giá dầu WTI tăng gần 6%, giá dầu Brent tăng gần 8%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ