Thứ Ba, thị trường chuẩn bị tâm lý cho một loạt báo cáo thu nhập từ các công ty công nghệ lớn với Alphabet, Microsoft công bố kết quả kinh doanh sau phiên ngày thứ Ba. Apple và Facebook sẽ công bố tiếp theo sau phiên ngày 28/4.
Cổ phiếu Tesla giảm 4,5% trong phiên đêm qua sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý I vào cuối ngày thứ Hai không đạt được kỳ vọng của với doanh thu được hỗ trợ phần lớn bởi doanh số tín dụng carbon cho các nhà sản xuất ôtô khác và bán bitcoin, thay vì bán xe.
Cụ thể, hãng sản xuất ôtô của tỷ phú Elon Musk đạt lợi nhuận 438 triệu USD trong quý I/2021, cùng kỳ năm 2020 là 16 triệu USD. Tổng doanh thu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 74% so với cùng kỳ.
Theo dữ liệu từ Refinitiv IBES, tổng thể, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các công ty thuộc S&P 500 trong quý I dự kiến sẽ tăng 35% so với năm ngoái, đây sẽ là mức tăng mạnh nhất kể từ quý IV/2010.
Trong khi đó, các nhà đầu tư sẽ theo dõi cuộc họp kéo dài hai ngày, kết thúc vào ngày thứ Tư của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để xem thái độ của ngân hàng trung ương đối với lạm phát, lãi suất và chương trình mua trái phiếu.
Cho đến nay, khoảng 1/3 số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh và 84% trong số đó có lợi nhuận dương, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Tuy nhiên, việc chứng khoán khá im ắng sau các kết quả kinh doanh mạnh mẽ cho thấy thị trường đang được định giá quá cao.
Trong dữ liệu kinh tế lạc quan mới nhất, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng vào tháng 4 khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại nhờ chương trình tăng cường tiêm chủng và gói viện trợ tài chính bổ sung từ chính phủ.
Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Dow Jones tăng 3,36 điểm (+0,01%), lên 33.984,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,90 điểm (-0,02%), xuống 4.186,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 48,56 điểm (-0,34%), xuống 14.090,22 điểm.
Chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên vào thứ Ba khi các thị trường cùng chờ đợi kết quả từ cuộc họp của Fed và động lực tăng trưởng từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh tích cực nguội bớt.
Kết thúc phiên 27/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 18,15 điểm (-0,26%), xuống 6.944,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 47,07 điểm (-0,31%), xuống 15.249,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 1,76 điểm (-0,03%), xuống 6.273,76 điểm.
Chứng khoán châu Á tiếp tục ngược dòng trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản giảm khi một loạt báo cáo kết quả kinh doanh của một số công ty không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.
Chứng khoán Trung Quốc và chứng khoán Hồng Kông đi ngang khi không được hỗ trợ bởi tin tức tích cực nào
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ do các nhà đầu tư nước ngoài giảm vị thế trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh.
Kết thúc phiên 27/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 134,34 điểm (-0,46%), xuống 28.991,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,45 điểm (+0,04%), lên 3.442,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 11,29 điểm (-0,04%), xuống 28.941,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 2,11 điểm (-0,06%), xuống 3.215,42 điểm.
Giá vàng qua đầu giảm trong phiên đêm qua trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và lãi suất trái phiếu Mỹ bất ngờ tăng vọt.
Kết thúc phiên 27/4, giá vàng giao ngay giảm 5,20 USD (-0,29%), xuống 1.775,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,3 USD (-0,07%), xuống 1.778,80 USD/ounce.
Giá dầu tăng cao hơn vào thứ Ba bất chấp việc khi OPEC+ nhất trí bám sát kế hoạch tăng nhẹ sản lượng từ ngày 1/5 do không thấy tác động lâu dài đến nhu cầu trên thị trường từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Ấn Độ. Đồng thời, theo nhiều nguồn tin nội bộ, OPEC+ sẽ bỏ cuộc họp bộ trưởng vào thứ Tư.
Kết thúc phiên 27/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,03 USD (+1,7%), lên 62,94 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,77 USD (+1,2%), lên 66,42 USD/thùng.