Đầu tuần, giới đầu tư chuẩn bị tâm lý cho tuần quan trọng và bận rộn nhất trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I.
Từ thứ Ba đến thứ Năm tần này, loạt công ty chiếm khoảng 40% vốn hóa của S&P 500 sẽ công bố báo cáo kết quả quý I, bao gồm Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Apple và Facebook. Cổ phiếu của những công ty này đều tăng trong phiên đêm qua.
Trong số 124 công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo cho đến nay, 85,5% đã vượt qua các dự báo của các nhà phân tích, với ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 34,3%, theo Refinitiv IBES.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi cuộc họp kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu vào thứ Ba, dự kiến sẽ làm sáng tỏ liệu bối cảnh việc làm phục hồi có ảnh hưởng đến kế hoạch có duy trì lãi suất gần 0 và tiếp tục chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu hàng tháng nữa hay không.
Bên cạnh đó, thị trường chờ đợi kết quả tăng trưởng GDP quý đầu tiên vào cuối tuần này để đánh giá tốc độ phục hồi kinh tế ở Mỹ.
Đồng thời, bất kỳ diễn biến mới nào về kế hoạch thuế của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng là tâm điểm trên thị trường hiện nay.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Dow Jones giảm 61,92 điểm (-0,28%), xuống 33.981,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,45 điểm (+0,18%), lên 4.187,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 121,97 điểm (+0,87%), lên 14.138,78 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên ngày thứ Hai đầu tuần trong bối cảnh giá kim loại tăng mạnh trong thời gian gần đây thúc đẩy giá cổ phiếu các công ty khai thác, trong khi lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro tăng hỗ trợ cổ phiếu của các ngân hàng lớn.
Bên cạnh đó, đại dịch ở Châu Âu có vẻ đã tạm lắng xuống với việc Ý dỡ bỏ nhiều hạn chế vào hôm 26/4, Pháp có kế hoạch nới lỏng các biện pháp vào tháng tới.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,56 điểm (+0,35%), lên 6.963,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,72 điểm (+0,11%), lên 15.296,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 17,58 điểm (+0,28%), lên 6.257,52 điểm.
Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng khi các cổ phiếu liên quan đến du lịch phục hồi sau những tổn thất gần đây do lo ngại về các biện pháp hạn chế mới được ban bố.
Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều giảm khi các nhà đầu quyết định chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây.
Chứng khoán Hồng Kông suy yếu do lo ngại về sự bùng phát Covid-19 trở lại ở các nước, đặc biệt là Ấn Độ, đè nặng lên tâm lý thị trường.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ sự lạc quan của giới đầu tư về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 105,60 điểm (+0,36%), lên 29.126,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,00 điểm (-0,96%), xuống 3.441,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 125,92 điểm (-0,43%), xuống 28.952,83 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,43 điểm (+0,99%), lên 3.217,53 điểm.
Giá vàng phiên cuối tuần tiếp tục giảm khi dòng tiền chuyển sang thị trường chứng khoán với nhiều dữ liệu kinh tế tích cực. Trong tuần này, giá vàng gặp khó ở ngưỡng cản quanh 1.800 USD/ounce và gần như tăng không đáng kể.
Kết thúc phiên 26/4, giá vàng giao ngay tăng 4,10 USD (+0,23%), lên 1.781,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,3 USD (+0,13%), lên 1.780,10 USD/ounce.
Giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Hai do đại dịch căng thẳng ở Ấn Độ, thị trường lo lắng bất chấp việc OPEC+ bày tỏ lo ngại về tình hình tại đất nước nhập khẩu dầu thứ 3 thế giới. OPEC+ sẽ thảo luận về chính sách sản lượng tại một cuộc họp trong tuần này.
Kết thúc phiên 26/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,23 USD (-0,4%), xuống 61,91 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,46 USD (-0,7%), xuống 65,65 USD/thùng.