Tạm hoãn xét xử vụ thất thoát 240 tỷ đồng khi cổ phần hóa Cienco 1

0:00 / 0:00
0:00
Do một số luật sư có đơn xin tạm hoãn xét xử, đồng thời đề nghị triệu tập thêm nhiều cá nhân, đại diện doanh nghiêp có liên quan, Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên tòa.
Tạm hoãn xét xử vụ thất thoát 240 tỷ đồng khi cổ phần hóa Cienco 1

Sáng 6/4, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1).

Trong vụ án này, có 5 bị cáo tại Cienco 1 hầu tòa gồm: Cấn Hồng Lai (SN 1955), cựu Tổng giám đốc; Phạm Dũng (SN 1961), cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên; Lê Văn Long, nguyên Kế toán trưởng; Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch thị trường; Nguyễn Thị Bích Hạnh, nguyên Phó phòng Tài chính kế toán Cienco 1.

Ngoài ra, có 2 bị cáo thuộc Công ty Kiểm toán A&C chi nhánh Hà Nội gồm: Nguyễn Ngọc Tuyến, cựu Kiểm toán viên, trưởng nhóm thẩm định tài chính (nay là Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và định giá ASCO); Nguyễn Anh Tuấn, Thẩm định viên.

Tại phiên tòa, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập thêm ông Nguyễn Hoàng Đức, Giám đốc; Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Kiểm toán 2, Công ty Kiểm toán A&C chi nhánh Hà Nội, do có nhiều tình tiết liên quan tới quy trình thẩm định cần làm rõ.

Bên cạnh đó, luật sư cũng đề nghị triệu tập đại diện theo pháp luật của 6 công ty đã thanh toán số tiền hơn 65 tỷ đồng là các khoản nợ khó đòi, nằm trong 185 tỷ đồng mà nhóm bị cáo Cienco 1 đã sử dụng quỹ trích lập dự phòng để bù đắp, loại ra khỏi hạch toán giá trị doanh nghiệp. Lý do được đại diện Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP cho rằng, theo các hồ sơ, sổ sách, chứng từ được ghi nhận tại doanh nghiệp, thì số tiền trên chỉ khoảng hơn 7 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại phiên tòa sáng nay, vắng mặt 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Cấn Hồng Lai và một số luật sư bào chữa cho các bị cáo khác. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội cũng cho rằng, bị cáo Lai bị truy tố ở khung hình phạt lên tới 20 năm tù, nên việc vắng mặt nhiều luật sư của bị cáo sẽ ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo này.

Sau thời gian hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, thời gian mở lại sẽ được ấn định sau.

Theo cáo trạng, Cienco 1 ban đầu thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, nhưng năm 2013 có chủ trương cổ phần hóa. Do vậy, Bộ này ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, do Phạm Dũng làm Trưởng ban; Cấn Hồng Lai làm Phó ban thường trực.

Tháng 6/2014, Cienco 1 được cổ phần hóa thành công, với đăng ký kinh doanh mới thể hiện vốn điều lệ doanh nghiệp này là 700 tỷ đồng, trong đó 35% là vốn Nhà nước. Đến cuối năm 2014, Bộ Giao thông - Vận tải thoái toàn bộ số 35% vốn này.

Trong quá trình cổ phần hóa, các bị cáo trong vụ án và một số cá nhân, đơn vị liên quan đã có nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tài sản Nhà nước.

Kết quả điều tra cho biết, từ năm 2010 - 2012, Cienco 1 đã trích lập dự phòng với những khoản thu khó đòi của 50 công ty, với số tiền 306 tỷ đồng. Đến năm 2013, để xử lý các vấn đề khi cổ phần hóa, nhóm Cấn Hồng Lai Lai xác định 50 công ty trên nợ Cienco 1 tổng số 364 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số đó có 184 tỷ đồng được nhóm này xác định là khó đòi, nên đã tự quyết định xóa nợ, dù đây là tài sản công.

Thêm vào đó, sau khi cổ phần hóa, nhóm điều hành mới của Cienco 1 đã đòi được 65 tỷ đồng trong số này, nhưng không bàn giao cho Nhà nước.

Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa, nhóm lãnh đạo Cienco 1 và các bị can thuộc Công ty A&C đã xác định 4 khu đất gồm: 422 m2 tại số 135 Nguyễn Văn Đậu, TP.HCM; 916 m2 tại TP.Tân An, tỉnh Long An; 16.706 m2 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và 852 m2 tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai là tài sản cố định vô hình, với tổng giá trị 12,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, UBND cấp tỉnh sẽ có ý kiến chính thức để làm căn cứ xác định giá trị đất. Số tài sản này sau đó được Hội đồng Định giá tài sản tố tụng hình sự tại 4 tỉnh, thành nói trên xác định năm 2013 có tổng giá trị là hơn 67,4 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm của nhóm bị can trên gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng.

Huệ Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục