Bình minh khởi nghiệp ở Việt Nam
Ba năm trước, lúc quyết định rời vị trí Giám đốc vận hành (COO) tại Pizza 4P’s, Taku Tanaka đứng trước 2 lựa chọn: xây dựng một nhà hàng hoặc làm nhà cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng. Với lựa chọn đầu tiên, nếu làm tốt, thị trường có thể có thêm một thương hiệu ẩm thực tốt như Pizza 4P’s. Trong khi với lựa chọn thứ hai, nếu thành công, Taku có thể góp phần thay đổi cả ngành ẩm thực. Start-up là phải mơ lớn, nên anh chàng thế hệ 8X này đã chọn phương án thứ hai để khởi nghiệp.
Taku sáng lập Kamereo, một ứng dụng B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) cho các nhà hàng, khách sạn..., giúp họ tìm kiếm và thu mua nguyên liệu. Sử dụng công nghệ để tự động hóa các thao tác trong chuỗi cung hiện tại, Kamereo muốn giảm bớt chi phí nhân công thông qua độ chính xác và tính minh bạch trong mô hình mới.
Taku Tanaka quyết định chọn tên cho đứa con “đầu lòng” của mình là Kamereo, bắt nguồn từ chữ chameleon (tắc kè hoa). “Tắc kè hoa có thể đổi màu da tùy theo hoàn cảnh. Thông điệp của Công ty là luôn linh động thay đổi để phù hợp với nhu cầu của khách hàng”, Taku Tanaka chia sẻ.
Sau hành trình chu du khắp các quốc gia Đông Nam Á để tìm hiểu, thăm dò cơ hội khởi nghiệp, Tanaka quyết định dừng chân tại Việt Nam, vì với Tanaka, vùng đất này có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) rất tiềm năng.
Taku Tanaka cho rằng, anh đã có “bình minh” khởi nghiệp tại đây. Anh tin rằng, trong tương lai gần sẽ có nhiều bạn trẻ nước ngoài đến đây tìm kiếm cơ hội.
Taku Tanaka cũng kỳ vọng, cơ chế chính sách sẽ cải thiện nhiều hơn nữa. Nhiều quá trình liên quan giấy tờ thường gây khó khăn và khiến mất khá nhiều thời gian, nếu được giản lược bớt sẽ tốt hơn.
Do xuất thân từ lĩnh vực tài chính, nên Taku Tanaka hiểu khá rõ điều các nhà đầu tư cần ở dự án khởi nghiệp. Nhờ vậy, Tanaka đã gọi vốn thành công 2 lần chỉ sau vài lần gặp nhà đầu tư.
Chẳng hạn, lần gần đây nhất, Kamereo huy động 4,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ Tập đoàn CPF, cùng Quest Ventures và Genesia Ventures.
Kamereo sẽ sử dụng một phần khoản đầu tư mới để mở rộng đội ngũ nhân sự và phát triển nền tảng mua sắm một cửa cho các đối tác F&B. Trong năm nay, Công ty có phần kế hoạch mở rộng thị trường ra Hà Nội. Ngoài ra, Kamereo cũng có kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý kho hàng mới, nâng cấp trải nghiệm người dùng và chất lượng dịch vụ qua trang web, ứng dụng di động.
Năm 2019, Kamereo từng huy động được 500.000 USD trong vòng gọi vốn do Genesia Ventures dẫn đầu. Vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của Velocity Ventures Việt Nam. Tanaka kỳ vọng, thị trường mở rộng tiếp theo sẽ là Singapore, Thái Lan... Tuy nhiên, để làm được điều đó, Kamereo sẽ phải huy động được nhiều vốn quốc tế hơn.
Thất bại tựa như hơi thở
Taku Tanaka không nghĩ thất bại là điều tiêu cực, mà là những thử thách để học hỏi, trưởng thành, miễn là đừng lặp lại sai lầm tương tự. Đây là điều anh luôn nhắc nhân viên trong Công ty.
Một trong những thất bại mà Taku Tanaka cho là đáng nhớ và phổ biến nhất là trong khâu tuyển dụng, đặc biệt ở các vị trí quan trọng trong công ty khởi nghiệp.
Start-up phải luôn tuyển những người hiểu rõ khởi nghiệp thật sự là gì. Nhiều bạn trẻ vẫn hình dung khởi nghiệp là điều gì đó ngầu ngầu, chứ không biết đằng sau là sự vất vả mỗi ngày. Còn cá nhân anh từng thất bại trong một lần khởi nghiệp vì không chọn đúng người đồng sáng lập cùng chí hướng, có cùng góc nhìn và sự nghiêm túc cần thiết.
Trong khâu tuyển dụng, phần lớn doanh nghiệp hay nhìn vào kỹ năng và kinh nghiệm. Nhưng anh cho rằng, đó là những thứ có thể được đào tạo. “Tôi muốn tập trung nhiều hơn vào tư duy của từng cá nhân, đó là nét đặc trưng từ bên trong mà rất khó thay đổi. Khi nhân viên đó có cách suy nghĩ độc đáo và nổi bật, tôi tin họ sẽ có đóng góp tích cực cho cả nhóm”, Taku Tanaka chia sẻ.
Nhìn xa, tin tưởng trao quyền và dựa trên giá trị cốt lõi là những yếu tố cấu thành tác phong quản lý của anh. Mỗi ngày tại Công ty, anh luôn đặt câu hỏi cho mình và cho mọi người: “Vấn đề ở đây là gì?”. Bất cứ nhiệm vụ hay dự án nào được giao, anh luôn xem xét câu hỏi này trước khi giải quyết.
Việc hướng tới tự động hóa của start-up này còn cần nhiều thời gian. Khách hàng trong ngành F&B vẫn chưa sẵn sàng thay đổi thói quen, cần thời gian để họ trưởng thành hơn.
Còn cá nhân anh, cứ ngày cuối tuần, Taku Tanaka dành chút thời gian để suy nghĩ về chiến lược dài hạn. Đó là khoảnh khắc để anh thanh lọc lại tâm trí và lên kế hoạch cho lâu dài. Trong đó, điều chắc chắn là anh muốn làm một cái gì đó kết nối với Việt Nam. “Tôi vẫn muốn cho thế giới thấy Việt Nam rất tiềm năng, đặc biệt là Việt Nam tuyệt vời như nào đối với người Nhật Bản”, Taku Tanaka.
Taku Tanaka tốt nghiệp 2 trường đại học là Đại học Keio (Nhật Bản) và Đại học Washingtion (Mỹ).
Tháng 4/2012, Tanaka gia nhập Credit Suisse - một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, với vị trí quản lý các hoạt động mua bán vốn sở hữu của các nhà đầu tư Nhật Bản và quốc tế trên Sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo.
Tháng 1/2015, Taku Tanaka gia nhập Pizza 4P’s tại Việt Nam, với vai trò Giám đốc vận hành quản lý kế toán/tài chính, mở rộng và nghiên cứu thị trường phát triển chuỗi nhà hàng Pizza 4P’s.