Tại sao các nền kinh tế không tăng trưởng chậm lại sau hàng loạt đợt tăng lãi suất mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng kinh tế vẫn vững chắc và áp lực giá cả ở các quốc gia giàu có hiện vẫn mạnh mẽ mặc dù lãi suất cao hơn đáng kể.
Tại sao các nền kinh tế không tăng trưởng chậm lại sau hàng loạt đợt tăng lãi suất mạnh mẽ

Tại sao tăng trưởng và lạm phát không chậm lại?

Phần lớn lời giải thích nằm ở những tác động kỳ lạ của đại dịch và độ trễ của chính sách. Ngoài ra, thị trường lao động thắt chặt đã thúc đẩy tăng lương và chi tiêu của người tiêu dùng.

Đầu tiên, bản chất bất thường của cuộc suy thoái năm 2020 do đại dịch gây ra và sự phục hồi sau đó đã làm giảm tác động thông thường của việc tăng lãi suất. Vào năm 2020 và 2021, Mỹ và các chính phủ khác đã hỗ trợ tài chính hàng nghìn tỷ đô la cho các hộ gia đình trong khi họ cũng đang tiết kiệm tiền khi đại dịch làm gián đoạn mô hình chi tiêu thông thường. Trong khi đó, lãi suất thấp nhất của các ngân hàng trung ương cho phép các công ty và người tiêu dùng có được chi phí vay thấp.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp tục chi tiêu mạnh tay trong những tháng gần đây. Các gia đình sử dụng tiền tiết kiệm bên cạnh việc được bổ sung nhờ tăng trưởng thu nhập vững chắc. Các doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng nhờ tình trạng thiếu lao động liên quan đến đại dịch và lợi nhuận lớn.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp ở Mỹ và châu Âu so với lịch sử

Tỷ lệ thất nghiệp thấp ở Mỹ và châu Âu so với lịch sử

Thông thường, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp đang sử dụng nhiều nợ phải kiềm chế chi tiêu vì họ phải dùng nhiều tiền hơn để trả nợ. Nhưng người tiêu dùng đã không vay nợ quá nhiều trong hai năm qua; các khoản thanh toán dịch vụ nợ hộ gia đình của Mỹ chỉ chiếm 9,6% thu nhập cá nhân khả dụng trong quý I/2023, dưới mức thấp nhất được ghi nhận từ năm 1980 đến khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3/2020.

Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank cho biết: “Rất nhiều sự mất cân bằng mà bạn có thể dự đoán vào thời điểm này trong chu kỳ chưa có thời gian để hình thành”.

Thứ hai, chi tiêu của chính phủ đã tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, giảm bớt những cú sốc kinh tế ít thảm khốc hơn dự kiến. Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đã đẩy khu vực này vào một cuộc suy thoái nông trong mùa Đông, nhưng đã tránh được sự suy thoái sâu sắc mà một số nhà phân tích đã dự báo. Các chính phủ châu Âu đã cam kết hỗ trợ chi tiêu lên tới 850 tỷ USD.

Giá dầu và khí tự nhiên giảm trong năm nay đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách giúp túi tiền người tiêu dùng đủng đỉnh hơn, nâng cao niềm tin và giảm bớt áp lực lên ngân sách chính phủ. Giá một thùng dầu đã giảm gần một nửa trong năm qua, từ khoảng 120 USD xuống dưới 70 USD/thùng, thấp hơn mức trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.

Việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc đã hỗ trợ hoạt động ở nhiều đối tác thương mại của nước này, trong khi tăng trưởng trong nước yếu đã khiến Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích mới trong tháng này.

Tại Mỹ, chính sách tài khóa đã mang lại nhiều sức mạnh hơn cho nền kinh tế trong năm nay. Nguồn vốn liên bang tiếp tục chảy từ gói cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 1.000 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden được phê duyệt vào năm 2021 và hai đạo luật được ký vào năm ngoái nhằm cung cấp hàng trăm tỷ đô la để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo và sản xuất chất bán dẫn.

Thứ ba, cần có thời gian để lãi suất cao hơn tác động đến nền kinh tế, làm giảm tốc độ tăng trưởng và lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) lần đầu tiên tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 vào tháng 12/2021, trong khi Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần lượt nâng lãi suất vào tháng 3/2022 và tháng 7/2022.

Theo một số ước tính, 2/3 lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed chỉ khôi phục lãi suất về mức trung lập, trong khi 1/3 cuối cùng làm chậm nền kinh tế bằng cách “nhấn phanh”. Kết quả cuối cùng là chính sách đó đã hạn chế tăng trưởng chỉ trong 8 hoặc 9 tháng như Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết trong một bài phân tích được xuất bản vào tuần trước.

Dario Perkins, Giám đốc điều hành của Công ty nghiên cứu TS Lombard cho biết, lãi suất cao hơn đang làm chậm tốc độ tăng trưởng theo những cách không rõ ràng, chẳng hạn như bằng cách khiến các nhà tuyển dụng cắt giảm các công việc không được lấp đầy hoặc các công ty từ bỏ việc mở rộng.

Leo những dặm cuối cùng

Chắc chắn, một số ngân hàng trung ương có thể đã không làm đủ để hạ nhiệt nhu cầu. Ví dụ, ECB đã tăng lãi suất cơ bản lên 3,5% trong tháng này, nhưng lãi suất thực (lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát) vẫn âm.

Nhiều nhà kinh tế vẫn dự đoán khu vực đồng euro sẽ trải một cuộc suy thoái trong vòng 6 đến 18 tháng tới, do các đợt tăng lãi suất trước đây hoặc các đợt tăng lãi suất sắp tới.

Khó có thể đánh giá mức tăng lãi suất cao hơn bao nhiêu vì các tín hiệu lẫn lộn về hoạt động kinh tế. Tại Mỹ, hoạt động tuyển dụng diễn ra mạnh mẽ nhưng số giờ làm việc trung bình đã giảm trong tháng 5 và số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của các bang đã tăng trong những tuần gần đây lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2021.

Tỷ lệ lạm phát cơ bản (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) ở các quốc gia

Tỷ lệ lạm phát cơ bản (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) ở các quốc gia

Giá năng lượng và hàng hoá thiết yếu đã giảm, giúp giảm lạm phát của Mỹ xuống 4% trong tháng 5 từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào mùa hè năm ngoái là khoảng 9%.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương vẫn lo lắng vì lạm phát cơ bản - loại trừ giá lương thực và năng lượng - đã giảm ít hơn nhiều. Những dữ liệu này có xu hướng dự đoán tốt hơn lạm phát trong tương lai.

Các ngân hàng trung ương ở Na Uy và Anh đã công bố tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tuần trước để giải quyết tình trạng lạm phát dai dẳng. Các ngân hàng trung ương ở Canada và Úc gần đây đã nối lại việc tăng lãi suất sau khi tạm dừng khi chỉ ra lạm phát khu vực dịch vụ cao hơn và thị trường lao động thắt chặt.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây cũng cảnh báo rằng việc giảm lạm phát xuống mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương có thể khó hơn dự kiến.

Những lợi ích dễ dàng đạt được từ lạm phát giá năng lượng và lương thực thấp hơn đã được ghi nhận. BIS cho biết lạm phát cao càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng mọi người sẽ điều chỉnh hành vi của mình và củng cố hành vi đó. Trong kịch bản đó, các ngân hàng trung ương có thể thấy rằng họ cần phải gây ra một cuộc suy thoái mạnh hơn để buộc lạm phát giảm xuống mục tiêu.

BIS cho biết: “Chặng cuối cùng có thể đặt ra thách thức lớn nhất”.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục