Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (mã chứng khoán: MSR) hiện đang điều hành Dự án khai thác chế biến khoáng sản đa kim Núi Pháo tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép đầu tư ngày 21/7/2010 và Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản ngày 21/9/2010.
Đây là một mỏ Volfram tập trung lớn nhất thế giới và được Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo), thuộc Công ty cổ phần Masan Tài nguyên, thực hiện việc khai thác chế biến các sản phẩm Volfram, Bismuth, Đồng và Florite.
Công ty Núi Pháo đã hoàn thành công tác xây dựng mỏ với trên 10 triệu giờ công lao động an toàn và các sản phẩm của Công ty đã được đưa ra thị trường quốc tế từ năm 2013. Hiện nay, nhà máy của Công ty đang hoạt động với trên 95% công suất và trên 92% thời gian thiết kế với lực lượng lao động trên 1.000 người, trong đó có các nhà quản lý doanh nghiệp chuyên gia khai thác chế biến đến từ 17 quốc gia.
Tài nguyên Masan với tầm nhìn dài hạn và vận hành Dự án Núi Pháo như một hình mẫu khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam, với vị thế và quy mô là một mỏ Volfram tập trung lớn nhất thế giới, tại Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Công nghiệp Volfram Quốc tế tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2015, ông Dominic Heaton, Tổng giám đốc Tài nguyên Masan đã được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Công nghiệp Volfram Quốc tế.
Nhìn nhận rõ về nhiệm vụ và vai trò quan trọng của Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đồng hành cùng Nhà nước và các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nên ngay từ giữa năm 2014, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo đã tích cực cùng với các doanh nghiệp địa chất, khoáng sản khác tham gia vào công tác chuẩn bị thành lập, đóng góp ý kiến xây dựng Điều lệ Hiệp hội.
Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (VAGME) được thành lập ngày 14/4/2015 theo Quyết định số 261/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo thuộc Công ty cổ phần Tài nguyên Masan là một trong những hội viên sáng lập Hiệp hội.
- Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hiện có khoảng 30 thành viên và hoạt động trên phạm vi cả nước. Hiệp hội đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất ngày 11/7/2015 tại Hà Nội để bầu Ban chấp hành Hiệp hội khóa 1.
- Ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài nguyên Masan kiêm Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo đã được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng thời là Trưởng ban Khoa học - Công nghệ của Hiệp hội.
Với vai trò như vậy, Tài nguyên Masan và Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo luôn tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động của Hiệp hội, đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình hành động thiết thực, hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp khai thác chế biến sâu các sản phẩm, đóng góp các ý kiến về chính sách của Nhà nước trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó có việc tham gia góp ý vào các chính sách dự thảo liên quan đến thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, dự thảo sửa đổi nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Khoáng sản…
Các góp ý về dự thảo các chính sách đã nêu rõ quan điểm của Hiệp hội về sự chưa phù hợp của các chính sách liên quan đến một số loại thuế dự kiến tăng đối với ngành khai thác, chế biến khoáng sản, định hướng chiến lược hoạt động của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản về công nghệ, về tầm nhìn dài hạn phát triển kinh tế trong ngành khai khoáng, cũng như trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường và đóng góp xã hội để nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong quá trình tham gia hội nhập theo các hiệp định thương mại song phương và đa phương.