Nhà máy mới tại Nghệ An, mang tên Masan MB (MMB), là một phần trong nỗ lực thiết lập hệ thống sản xuất trải rộng khắp Việt Nam của Tập đoàn Masan, nhằm nâng cao tốc độ phản ứng với thị trường thông qua sự gắn kết gần gũi hơn với người tiêu dùng, tối ưu hóa chi phí kho vận, sản xuất những sản phẩm thực phẩm và đồ uống phù hợp với khẩu vị theo vùng miền, tạo ra lợi thế nhờ quy mô lớn và áp dụng những công nghệ, thiết bị tiên tiến nhất mang đẳng cấp thế giới.
Nhà máy MMB có diện tích 11 héc-ta, tọa lạc tại Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Theo kế hoạch hiện nay, MMB sẽ sản xuất mì ăn liền và nước mắm bằng dây chuyền thiết bị tự động và hiện đại, nhằm đảm bảo chất lượng đồng nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm và hương vị thơm ngon. Đặc biệt, MMB sẽ tạo nên một vạch mốc chiến lược khi trở thành nhà máy sản xuất nước mắm đầu tiên của Tập đoàn Masan tại miền Bắc.
Công suất thiết kế hiện tại của Nhà máy là 600 triệu gói mỳ ăn liền và 120 triệu lít nước mắm mỗi năm. MMB đáp ứng tiêu chuẩn xử lý nước thải loại A (là tiêu chuẩn cao nhất tại Việt Nam). MBB sẽ đạt giấy chứng nhận 4 hệ thống quản lý tích hợp gồm HACCP, ISO 14000, ISO 9001 và OHSAS 18001 vào năm 2016.
Masan được biết đến là nhà sản xuất các thương hiệu đáng tin cậy được yêu thích nhất Việt Nam trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafe, Wake-up, Vĩnh Hảo và Sư Tử Trắng. Tuy nhiên, tại khu vực phía Bắc, Masan mới chỉ có một nhà máy sản xuất mỳ gói đặt tại Hải Dương, các sản phẩm khác của Masan hiện vẫn phải vận chuyển từ các nhà máy tại phía Nam ra phục vụ thị trường miền Bắc.
Theo ông Seokhee Won, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan, Tổng giám đốc CTCP Hàng tiêu dùng Masan, công trình có vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng này sẽ mang lại cơ hội phát triển cho cả Tập đoàn Masan và tỉnh Nghệ An, bao gồm cả những cộng đồng sinh sống trong khu vực.
Tính trong 10 năm sắp tới, nếu chạy hết công suất thiết kế, Tập đoàn Masan sẽ tiết kiệm được khoảng 400 tỷ đồng chi phí kho vận so với phương án vận chuyển sản phẩm từ các nhà máy ở miền Nam ra miền Bắc.
Đồng thời, thông qua hoạt động của mình, MMB sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng 1.000 lao động, cũng như cơ hội nâng cao kỹ năng tay nghề chuyên môn và quản lý chuyên nghiệp cho nhiều lao động. Dự kiến trong 10 năm, Masan MB sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh Nghệ An khoảng 3.000 tỷ đồng, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Một điều có ý nghĩa quan trọng khác là công tác xã hội, hiện Tập đoàn Masan đang triển khai chương trình hỗ trợ đặc biệt cho cán bộ, công nhân viên Masan người Nghệ An trở về quê nhà và làm việc cho nhà máy Masan MB.
“Việc khánh thành nhà máy Masan MB mang ý nghĩa rất đặc biệt đối với Masan, bởi chúng tôi có rất nhiều đồng nghiệp đến từ Nghệ An. Chúng tôi rất tự hào và vinh dự với chương trình ‘Trở về quê hương’ để giúp họ quay về quê nhà và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Masan MB sẽ giúp chúng tôi phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Đây là một phần sứ mệnh của Tập đoàn Masan: mỗi ngày nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam”, ông Seokhee Won cho biết.
Cùng với lễ khánh thành nhà máy Masan MB, Masan công bố sẽ trao học bổng có giá trị 200 triệu đồng cho các sinh viên tại Nghệ An và sẵn sàng dành cho các em cơ hội xây dựng sự nghiệp tại Tập đoàn Masan sau khi tốt nghiệp.
MMB không chỉ thể hiện cam kết của Tập đoàn Masan đối với ngành hàng thực phẩm và đồ uống, mà còn giúp thắt chặt mối quan hệ với cộng đồng nơi nhà máy hoạt động để đảm bảo sự phát triển bền vững và có trách nhiệm.