Ý tưởng đã được đề cập
Ý tưởng tái huy động vàng trong dân đã từng được đề cập cách đây 2 - 3 năm, khi thị trường vàng còn nhiều xáo trộn. Đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.
Nghị quyết yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất - kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ.
Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) kiến nghị huy động 500 tấn vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh, nhưng đã có những tranh luận khá gay gắt về chuyện nên hay không huy động nguồn lực này.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA cho rằng, tập quán cũng như thói quen của người Việt Nam luôn xem vàng là tài sản để dành và tích trữ, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống.
Một lượng lớn vàng, tương đương nhiều tỷ USD, của người dân đang nằm “bất động” là sự lãng phí rất lớn.
Trong bối cảnh mới của thị trường vàng, ngoại tệ, cần huy động nguồn lực này vào sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, việc đưa ra giải pháp tái huy động vàng trong dân là cần thiết.
Yêu cầu của Chính phủ về huy động vàng trong dân đã được đặt ra, nhưng giải pháp hiệu quả vẫn là bài toán khó, bởi sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN.
Không dễ thực thi
Tái huy động vàng có thể đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cũng như chủ trương chống đô-la hóa, vàng hóa.
Có người lo ngại rằng, giá vàng thường xuyên biến động, trường hợp huy động vàng rồi có thể bán đi để tạo vốn cho nền kinh tế, thì thời điểm trả lại vàng cho người dân mà giá tăng cao thì lấy vốn ở đâu để bù lỗ…
Trả lời cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị NHNN có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực dự trữ trong dân (như vàng, USD…), NHNN cho biết, trước đây, trong giai đoạn từ năm 2001 - 2008, các tổ chức tín dụng đã huy động, cho vay vốn bằng vàng.
Tuy nhiên, giai đoạn 2008 - 2011, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới biến động mạnh (có thời điểm tăng đến 300% so với năm 2008), khiến giá vàng trong nước cũng biến động mạnh theo, gây rủi ro lớn cho tổ chức tín dụng và người đi vay.
Việc tổ chức tín dụng huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ, gửi tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất.
Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn cho thị trường vàng, ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn này.
Một lượng lớn vàng, tương đương nhiều tỷ USD, của người dân đang nằm “bất động” là sự lãng phí rất lớn.Trước tình hình đó, từ năm 2011 đến năm 2013, thực hiện chủ trương ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng không được phép huy động vàng, chỉ được thực hiện hoạt động bảo quản tài sản.
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã mang lại kết quả tích cực.
Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng giảm, trong khi tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng.
Với các giải pháp vĩ mô đồng bộ, đến nay, nguồn lực trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa.
Tuy nhiên, việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.