Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện này.
VGTA từng đưa ra kiến nghị về việc huy động 500 tấn vàng trong dân, nhưng đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Ông có thể phân tích kỹ những cơ sở để VGTA đưa ra kiến nghị này?
Việc bị hạn chế cho vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đã khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn. VGTA đã có công văn kiến nghị gửi tới Thủ tướng về việc này.
Cụ thể, theo Thông tư 33/2011/TT-NHNN quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, hơn 4 năm qua, chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện, thủ tục xin vay vốn để sản xuất - kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, khiến doanh nghiệp nữ trang gặp khó.
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu vàng nguyên liệu, việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khi giá vàng nội cao hơn giá quốc tế, doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Chúng tôi đề nghị cho những doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch hàng năm và báo cáo định kỳ với nhà quản lý.
Vì theo thống kê của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. HCM, có hơn 70% doanh nghiệp kinh doanh vàng và nữ trang của Thành phố lâm vào bế tắc do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt theo Thông tư 33/2011-TT- NHNN.
Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nữ trang khi phải thu gom từ nhiều nguồn trôi nổi trên thị trường, dẫn tới hoạt động khá bấp bênh.
Ông Nguyễn Thành Long
Riêng việc huy động vàng đối với doanh nghiệp, VGTA cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định vấn đề này. Hơn nữa, Thông tư 11/2011/TT-NHNN chỉ chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng.
Hoạt động trên cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24, bởi các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, không cho vay lại, không thu phí giữ hộ.
Như vậy, hoạt động vay vàng của doanh nghiệp là một công đoạn của quá trình sản xuất - kinh doanh vàng trang sức và không phát sinh lợi nhuận.
Theo ông, vì sao ý tưởng huy động vàng trong dân đến nay vẫn chưa được giải quyết?
Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc việc có nên cho các ngân hàng tái huy động vốn bằng vàng, song xem ra đến nay chưa có kết quả. Trong khi, con số khoảng 500 tấn vàng mà các tổ chức trên thế giới ước lượng đang nằm trong dân cho thấy, nhu cầu mua vàng của người dân Việt Nam luôn có và thậm chí ở mức cao.
Tập quán tâm lý của người Việt luôn xem vàng là tài sản để tích trữ, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Điển hình như ngày Thần Tài đầu năm, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng và nhiều doanh nghiệp bán cạn hàng.
Một lượng vàng lớn, tương đương một lượng ngoại tệ giá trị nhiều tỷ USD của người dân đang nằm bất động là sự lãng phí rất lớn. Trong bối cảnh mới của thị trường vàng, ngoại tệ, cần huy động nguồn lực này sử dụng vào sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, việc đưa ra giải pháp tái huy động vàng trong dân là cần thiết.
Yêu cầu của Chính phủ về huy động nguồn lực vàng trong dân đã được đặt ra, nhưng đâu là giải pháp hiệu quả nhất vẫn là bài toán khó cho năm 2017. Lần này, việc huy động vàng không phải để các ngân hàng thương mại kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước nên phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về ngân hàng trung ương. Dĩ nhiên, sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của Ngân hàng Nhà nước.
Thực tế, kiến nghị huy động vàng đang nằm trong dân vào sản xuất - kinh doanh đã được VGTA gửi tới Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ giữa năm 2016. Sau đó, có những tranh luận khá gay gắt về việc nên hay không huy động nguồn lực này.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có quan điểm không ủng hộ khi cho rằng, nếu huy động vàng trong dân, cơ quan quản lý sẽ đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cũng như chủ trương chống đô-la hóa, vàng hóa.
Liệu có khả năng việc tái huy động vàng đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cũng như chủ trương chống đô la hóa, vàng hóa của thị trường, khiến tình trạng này tái diễn?
Có nhiều người đưa ra quan điểm như: giá vàng thường xuyên biến động, trường hợp huy động vàng rồi có thể bán đi để tạo vốn cho nền kinh tế, thời điểm trả lại vàng cho người dân mà giá tăng cao thì lấy vốn ở đâu để bù lỗ?
Bên cạnh đó, chất lượng vàng cũng là một bài toán cần phải tính kỹ trong huy động vàng, ai sẽ là người kiểm soát chất lượng, kiểm định hàng hóa để người dân có thể yên tâm khi gửi vàng. Hay, tái huy động vàng sẽ làm tăng tình trạng vàng hóa trong dân…
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét để đưa ra giải pháp khả thi cho việc tái huy động vàng, không vì những lo ngại trên mà bỏ cuộc.
Về giải pháp đối với người dân, chúng tôi cho rằng, tiếp tục công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp và người dân tự do lựa chọn gửi vàng cho Nhà nước hoặc cất trữ. Cùng với đó là các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin vào các kênh đầu tư cất trữ tài sản khác.
Như vậy, cần giải pháp có tính thực tiễn, mục tiêu của việc quản lý ngoài việc kiểm soát thị trường, còn phải đạt được yêu cầu là khơi thông dòng chảy cung ứng vàng và bổ sung nguồn vàng có kiểm soát khi cần thiết.
Không nên lo ngại tình trạng vàng hóa, mà phải “thâm nhập” thế giới của vàng, thừa nhận vàng như một phần thiết yếu của đời sống và tìm cách huy động vàng để phục vụ phát triển kinh tế.
Quan điểm của VGTA về vấn đề huy động vàng trong dân là cần thiết. Vậy giải pháp nào theo ông là tốt nhất để có thể thực thi được vấn đề này?
Sau khi VGTA có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc xem xét tái huy động nguồn lực vàng trong dân, trong điều kiện thị trường ổn định, để khai thác một cách hiệu quả nguồn vốn này, tránh lãng phí, đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong đó, có ý kiến đồng tình, nhưng cũng có ý kiến không đồng tình và đưa ra phân tích, đánh giá, nhận xét rằng, việc huy động vàng không có tính khả thi và thực tế thị trường đã cho thấy những bất cập buộc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng huy động vàng trong thời gian dài vừa qua. Các ý kiến phản biện là cần thiết để Chính phủ,
Ngân hàng Nhà nước tham khảo trước khi đưa ra quyết định, có thể dựa trên cơ sở của thị trường, cũng như các ý kiến từ người tiêu dùng.
VGTA vẫn giữ quan điểm cần huy động, khai thác nguồn lực vàng trong dân để tránh lãng phí nguồn vốn này. Tất nhiên, một khi tính đến tái huy động vàng cũng phải có giải pháp khả thi và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, tránh lặp lại tình trạng như trước đây khi các ngân hàng thương mại huy động vàng, sau đó cho vay lại hoặc chuyển đổi sang tiền đồng. Khi giá vàng tăng cao, người dân có nhu cầu rút ra thì mất khả năng thanh khoản.
Việc VGTA đưa ra kiến nghị xem xét tái huy động vàng khi thị trường vàng đã ổn định, không thể nói là huy động vàng sẽ khiến cho tình trạng vàng hóa tăng lên như một số quan điểm đưa ra.
Để tái huy động vàng phải có sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Tất cả phải được tập trung vào Ngân hàng Nhà nước và có sự giám sát, không phải ai cũng có thể làm.
Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tái huy động vàng trong dân, chẳng hạn phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, để huy động vàng cũng có những cái khó nhất định.
Bởi lẽ, chi phí huy động vàng phải ở mức cao mới có thể thu hút người dân và nguồn vàng huy động về sử dụng như thế nào cần được nghiên cứu kỹ.
Chẳng hạn, số vàng huy động trong dân sẽ dùng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ, với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.