Hiện nay, trên toàn Hà Nội có 155 tòa nhà tái định cư, trong đó có nhiều tòa nhà đang ở tình trạng xuống cấp trầm trọng, nhưng không hề được bảo trì, sửa chữa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sống tại các tòa nhà này.
Cụ thể, tận mục sở thị tại khu nhà tái định cư 5,3 ha Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, một trong những dự án nhà ở tái định cư đầu tiên tại Hà Nội, có thể dễ dàng thấy tình trạng xuống cấp trầm trọng tại dự án này, dù mới chỉ đưa vào sử dụng chưa đến 10 năm. Không chỉ chất lượng tường nhà xuống cấp quá nhanh, trên bề mặt cả trong lẫn ngoài các tòa chung cư, tường bao từng mảng rêu nhiều ngày đóng kịt thành lớp dày. Đặc biệt, các vết nứt chạy dài trên tường nham nhở…
Ông Võ Hoàng Anh, cư dân sinh sống tại Tòa nhà N02 cho biết, gia đình ông chuyển về đây theo Quyết định 4626/QĐ-UBND, ngày 17/10/2006 của UBND TP. Hà Nội do di chuyển chỗ ở để xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội (địa bàn quận Thanh Xuân).
Lúc về đây nhận bàn giao nhà, cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình ông cũng tưởng sẽ có một chỗ ở tốt hơn trước, bởi khi mới hoàn thiện, dự án cũng khá khang trang, lịch sự. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, dự án đã “xập xệ đến mức không chịu nổi”.
Gần như ở tất cả các hành lang của các tòa đều lặp lại tình trạng gạch nền bị bung. Bên cạnh đó, tường tróc vảy, gạch bong, chất lượng nước sinh hoạt tại các tòa nhà này cũng không thực sự tốt. Để khắc phục, hầu hết các chủ căn hộ sinh sống tại đây đều phải đầu tư hệ thống lọc nước. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nước sinh hoạt chung, còn để ăn uống, nhiều chủ hộ phải dùng cả nước mua sẵn để đảm bảo vệ sinh.
Không chỉ có vậy, theo lời phản ánh của cư dân nơi đây, dù phải nộp khoản phí bảo trì 2% giống như tại nhiều chung cư thương mại khác, nhưng không hiểu vì sao, rất lâu các thiết bị ở đây mới được bảo trì sửa chữa. Các thiết bị như thang máy đều xuống cấp, vừa chậm, vừa kẹt, thỉnh thoảng dừng đột ngột, hoặc thậm chí rơi tự do, khiến nhiều người rất sợ hãi. Mới đây, một thang máy của tòa nhà này hỏng hẳn, nên việc đi lại của người dân rất bất tiện, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
“Mới ở được có vài năm, nhưng cầu thang máy đã hỏng, ọc à ọc ạch, bây giờ một thang máy đã hỏng hẳn rồi. Các đèn bảo vệ hầu như cháy gần hết, muốn phản ánh, nhưng không biết phản ánh ở đâu”, bà Trang, cư dân tòa nhà bức xúc.
Không chỉ thang máy, các hạng mục khác của nhà tái định cư nhìn chung cũng xuống cấp không kém. Chỉ cần đi một vòng quanh các tòa nhà, có thể thấy, chất lượng nhà ở nơi đây đáng báo động. Cửa vào một bên tòa nhà được khóa kín nhiều năm trời, trong khi nhiều cánh cửa ra vào cầu thang xuống cấp, gỉ sắt, hỏng hóc…
Chưa kể, sau khoảng 10 năm đưa vào sử dụng, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn dân sinh đã xuống cấp rất nhiều. Đặc biệt, các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, như chuông báo động, bình cứu hỏa được bố trí tại các hành lang có dấu hiệu hoan rỉ. Một số người dân tại tòa nhà N02, N03 cho biết, họ không được tập huấn, nên không hiểu nhiều về cách thức sử dụng các thiết bị này.
Ngoài ra, lối thoát hiểm của tòa nhà cũng khá hẹp, lại bị tận dụng để chi chit đồ đạc, vật liệu xây dựng, nên nếu chẳng may xảy ra cháy nổ, hoặc các sự cố bất thường thì việc thoát nạn của người dân chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Hiện trạng tại dự án này cũng là tình hình chung đang xảy ra tại nhiều khu tái định cư khác trên địa bàn Hà Nội như khu tái định cư Trung Kính hay Tây Hồ và nhiều người hay dùng câu “3 không, 4 nát” để nói về các dự án nhà tái định cư tại Hà Nội: không đường giao thông, không điện, không nước sạch; trần nát, tường nát, thoát nước nát, cửa nát và không đảm bảo an ninh.
Mức đầu tư thấp, chạy đua tiến độ do sức ép giải phóng mặt bằng của Thành phố chính là căn nguyên khiến cho các nhà chung cư tái định cư ở Hà Nội ngay từ giai đoạn đầu sử dụng đã lâm vào tình trạng trên.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com