Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058) diễn ra sáng nay (15/10) tại Hà Nội, phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN nói: “Trên cơ sở Nghị quyết 42, Quyết định 1058, Quyết định 986 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), đến nay, hầu hết các phương án cơ cấu lại của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt; kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được những số liệu đáng ghi nhận”.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN phát biểu khai mạc Hội nghị
Phó Thống đốc Kim Anh cho biết thêm, đó là năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần, năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện.
Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng được nâng cao cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Song song với đó, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1058.
“Đồng thời, các nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới đã đạt những kết quả bước đầu tích cực”, Phó Thống đốc Kim Anh nhấn mạnh.
Chia sẻ các thông tin cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Du, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết, từ năm 2018 đến 31/8/2019, NHNN đã thực hiện 2.259 cuộc thanh tra, kiểm tra và ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 2.077 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua đó, NHNN đã đưa ra 12.131 kiến nghị, yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành 299 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt trên 23,12 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng đã áp dụng một số biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân nhằm kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động tại một số TCTD (trong đó chủ yếu là tại các QTDND).
“Trong năm 2019, NHNN đã triển khai Đoàn kiểm tra công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại 7 TCTD, từ đó có các kiến nghị, yêu cầu các TCTD tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 nhằm đạt mục tiêu về nợ xấu nêu tại Quyết định 1058”, ông Du nói.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, giám sát tình hình hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN đã có gần 200 văn bản chấn chỉnh, cảnh báo về các nguy cơ, rủi ro, sai phạm gây mất an toàn và chấn chỉnh hoạt động đối với toàn hệ thống các TCTD/từng khối TCTD hoặc từng TCTD về các vấn đề cụ thể… Trong những tháng đầu năm, NHNN đã tiếp nhận khoảng 1.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ. Chuyển giao thông tin liên quan đến 80 vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, ông Du cho biết, đã được giữ vững. Cụ thể, đến cuối tháng 8/2019, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống 11,9% (mức tối thiểu theo quy định là 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản bình quân đạt 16,9%, hầu hết các TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm: đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 592,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2018 và tăng 15,8% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu đạt 857,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2018, tăng 30,0% so với cuối năm 2017.
“Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng trong việc xử lý nợ xấu giúp tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31/8/2019 là 1,98%)”, ông Du nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Du, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN báo cáo tại Hội nghị
Quy mô hệ thống các TCTD được cho biết tiếp tục tăng. Cụ thể, đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,81 triệu tỷ đồng tăng 6,7% so với năm 2018, cho vay thị trường 1 đạt 7,61 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2018, huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,96 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm 2018.
“Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn tại 6 doanh nghiệp, tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng thu về số tiền là 637,54 tỷ đồng. Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát”, ông Du nói.