Kể từ cuộc khủng hoảng thanh khoản năm 2012, tái cơ cấu ngành ngân hàng đã trở thành ưu tiên của Chính phủ. Những cải cách ngân hàng ngay trước mắt (được nêu trong Quyết định số 254 năm 2012) đã khôi phục sự ổn định tài chính vĩ mô và ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng hệ thống nghiêm trọng hơn trong ngành ngân hàng.
Một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào tháng 7/2013. Cho tới nay, công ty này đã thu hút hơn 11 tỷ USD nợ xấu (dưới dạng trái phiếu của VAMC). Cơ quan quản lý cũng đã tiến hành các biện pháp tăng cường giám sát và củng cố ngành ngân hàng.
Chương trình cải cách ngành ngân hàng hiện chưa hoàn thành. Quy mô ngành và tỷ lệ tín dụng trong nền kinh tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một ngành ngân hàng vững chắc để hỗ trợ cho triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam.
Để đạt được giải pháp bền vững đối với xử lý và quản lý nợ xấu, tạo ra một ngành ngân hàng vững mạnh, đòi hỏi những cải cách sâu hơn nữa trong hệ thống ngân hàng, cũng như trong khu vực doanh nghiệp.
Các ngân hàng thương mại, thông qua những nỗ lực trong việc giải quyết các khoản nợ xấu như xoá nợ, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng, cải thiện thu hồi nợ và thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro tốt nhằm giảm thiểu các khoản nợ xấu, đã đóng vai trò quan trọng, bên cạnh những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc đưa ra các quy định, giám sát và thực thi.
Nhìn về tương lai
Để giải quyết những vấn đề còn lại, Chính phủ gần đây đã phát triển một kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng. Mục đích của kế hoạch này là củng cố các tổ chức tín dụng yếu và tiến tới một giải pháp lâu dài cho các khoản nợ xấu trong ngành.
Trọng tâm của kế hoạch là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết số 42 của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu giữ tài sản thế chấp để giải quyết các khoản nợ xấu. Các công cụ pháp lý này tạo thành các khối xây dựng cơ bản cần thiết để giải quyết những thách thức hiện tại và nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của ngành ngân hàng.
Củng cố các quy định của NHNN, năng lực giám sát và thực thi cũng sẽ đóng vai trò quan trọng. Hiện tại, quản lý và kiểm soát ngân hàng vẫn phải đối mặt với những thách thức. Khi lĩnh vực tài chính phát triển, cần tiến tới kiểm soát dựa trên rủi ro và phát triển các kỹ năng của thanh tra viên NHNN. Một số yếu tố đang hạn chế việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của NHNN bao gồm việc có quá nhiều mục tiêu bên cạnh tính độc lập hạn chế - cản trở các giám sát viên thực hiện quyền hạn của họ.
Tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng, hướng tới giám sát dựa trên rủi ro và các tiêu chuẩn vốn theo Basel II, áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế là rất cần thiết. Giải quyết khối lượng nợ xấu tại VAMC và tránh sự gia tăng dòng chảy của nợ xấu cũng sẽ là yếu tố quan trọng để tăng cường cán cân thanh toán của các ngân hàng, cho phép giải quyết các khoản nợ xấu một cách hợp lý.
Một hệ thống ngân hàng hiệu quả đòi hỏi một sân chơi bình đẳng để tăng cường cạnh tranh và nâng cao năng suất tổng thể của cả ngành. Trong trường hợp của Việt Nam, nơi khu vực ngân hàng có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, các ngân hàng phải có khả năng hoạt động như các đơn vị kinh doanh độc lập. Giám sát thận trọng độc lập, quản lý rủi ro hợp lý trong ngân hàng, giám sát các tiêu chuẩn một cách mạnh mẽ của NHNN và các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp tốt đều là những yếu tố cần thiết.
Các đối tác phát triển phải hỗ trợ Chính phủ trong công cuộc cải cách ngành ngân hàng và chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đã vượt qua những thách thức tương tự. Sự tín nhiệm trong cải cách và cam kết duy trì quá trình cải cách này là cần thiết để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả, đạt được những kết quả mong muốn và đóng góp vào hiệu quả hoạt động kinh tế của Việt Nam.