Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: không chỉ là xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Đề cập đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, dư luận phần lớn tập trung vào câu chuyện xử lý nợ xấu. Đây cũng là điều dễ hiểu khi không giải quyết được nợ xấu, hệ thống ngân hàng sẽ không thể hoạt động đúng nghĩa. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vấn đề khác cũng rất quan trọng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý sau hơn ba năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Vấn đề thanh khoản được xử lý triệt để đã tạo tiền đề cho việc thực thi chính sách tiền tệ đạt hiệu quả cao

Nợ xấu là vấn đề lớn nhất

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng là nợ xấu. Nếu không giải quyết được nợ xấu, hệ thống ngân hàng sẽ không thể hoạt động đúng nghĩa. Ví dụ, cho vay tín dụng từ phía ngân hàng cho các DN để thúc đẩy sản xuất là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, bởi ngân hàng phải duy trì các hoạt động khác để có thể vận hành một hệ thống ngân hàng bình thường.

Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong 3 năm từ năm 2013 đến 31/8/2015, Vietcombank đã xử lý được khoảng 24.000 tỷ đồng nợ xấu, đạt 114% kế hoạch đề ra. Trong đó, Ngân hàng tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp như phát mại tài sản để thu hồi nợ, thu nợ trực tiếp khách hàng, nhận tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, sử dụng dự phòng... khoảng 18.000 tỷ đồng và bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khoảng 6.000 tỷ đồng.

“Riêng 8 tháng đầu năm 2015, Vietcombank đã xử lý được khoảng 7.200 tỷ đồng nợ xấu, đạt 103% kế hoạch năm 2015 được NHNN phê duyệt (7.000 tỷ đồng), đúng như lộ trình đã đăng ký với NHNN. Trong đó, việc bán nợ cho VAMC đã thực hiện lớn hơn kế hoạch và trước thời gian quy định của NHNN. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank thấp hơn 3%”, ông Thắng nói.

TS. Lê Cẩm Ninh, Phó ban Quản lý và xử lý nợ xấu VietinBank chia sẻ: “Trong giai đoạn 2013 - 2015, việc áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN đã có tác động rõ rệt lên các khoản dư nợ cho vay, đầu tư làm nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/8/2015, nợ xấu của VietinBank mặc dù có tăng so với thời điểm 31/12/2013, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu là 1,12% trên tổng dư nợ cho vay và luôn ở mức an toàn”.

Về con số nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam, ông Sandeep Mahajan nhận xét: “Tất cả các chỉ số hiện tại chỉ ra rằng, con số nợ xấu đang giảm dần. Tuy nhiên, con số nợ xấu thực sự đang bị đánh giá thấp bởi có một số lượng lớn nợ xấu đã được các ngân hàng bán cho VAMC và con số này hiện tại vẫn nằm trên bảng cân đối kế toán của VAMC mà chưa được giải quyết. Khi nợ xấu còn hiện diện trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng hay VAMC, thì đây vẫn là một vấn đề cần quan tâm”. 

Bên cạnh đó là thanh khoản

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra giám sát, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết, nhìn lại cuối năm 2011, công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, thanh khoản rất yếu, lãi suất cao, thị trường tiền tệ bất ổn. Thanh khoản là biểu hiện ra bên ngoài tất cả yếu kém nội tại và tác động của môi trường kinh doanh đối với hoạt động của ngân hàng.

“Do vậy, xử lý thanh khoản là điều kiện tiên quyết để ngân hàng gia tăng tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất...”, ông Nghĩa nói.

Ở góc độ này, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, vấn đề thanh khoản của hệ thống đã được xử lý rất thành công, từ trạng thái thiếu thanh khoản, các ngân hàng phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất rất cao trên thị trường liên ngân hàng (có thời điểm lãi suất lên tới 15 - 20%/năm vào cuối năm 2011), đến nay hiện tượng này đã được khắc phục gần như hoàn toàn.

Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng trong suốt gần 1 năm qua luôn được duy trì ở mức thấp và ổn định (dưới 5%/năm, kỳ hạn qua đêm); tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) từ mức rất cao lên tới trên 100% vào thời điểm cuối năm 2011 cũng đã được kéo xuống mức ổn định khoảng 85% trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Phước, vấn đề thanh khoản được xử lý triệt để đã tạo tiền đề cho việc thực thi chính sách tiền tệ đạt hiệu quả cao, chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho DN của Chính phủ do đó dần đi đúng quỹ đạo.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh xuống mức thấp 8 - 10%/năm trong giai đoạn hiện nay (từ mức khoảng 20%/năm vào cuối năm 2011) đã góp phần kéo lạm phát xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây (từ mức trên 18% trong năm 2011 xuống mức khoảng 2% trong 2 năm 2014 và 2015). Mặt khác, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đã giúp cho dòng vốn đi vào nền kinh tế được phân bổ hiệu quả hơn, đi vào các mục đích sản xuất - kinh doanh đúng chỗ cho mục tiêu phát triển kinh tế. 

… và sở hữu chéo

Ông Phước nhận định, tiến trình tái cơ cấu một cách quyết liệt đã giúp tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD về cơ bản chấm dứt. Việc thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm loại trừ tình trạng sở hữu chéo giữa các TCTD thông qua việc hợp nhất, sáp nhập các TCTD có cùng chủ sở hữu trên tinh thần tự nguyện đã giúp cho số lượng ngân hàng thương mại giảm đáng kể.

Đặc biệt, thông qua tiến trình này (hợp nhất, sáp nhập hay bị NHNN mua lại), chất lượng quản trị điều hành của các ngân hàng được sáp nhập, mua lại được nâng cao đáng kể do được các ngân hàng thương mại nhà nước hay các ngân hàng thương mại cổ phần lớn hỗ trợ về nhân sự và tài chính, giúp cho tình hình hoạt động cũng như tình hình tài chính của nhóm ngân hàng này trở nên vững vàng hơn.

Ông Nghĩa thông tin thêm, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng. NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm dần.

Hiện tại, chỉ còn 3 cặp TCTD có sở hữu chéo. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và DN tập trung ở một số ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng với tỷ lệ không lớn. Tình trạng một TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD, hoặc một số TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD đã giảm so với thời gian trước đây.

“Việc quyết liệt thực hiện loại bỏ sở hữu chéo giữa các TCTD là bước đi chính xác nhằm tháo “ngòi nổ” của hệ thống, tạo nên công cụ đắc lực cho việc xử lý nợ xấu”, ông Phước nhấn mạnh.

Theo ông Phước, quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD đã giúp hoạt động của hệ thống trở nên an toàn và hiệu quả hơn. Việc NHNN ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nâng cao hiệu quả hoạt động, chuẩn mực an toàn trong hoạt động của các TCTD như Thông tư 02, Thông tư 09 và Thông tư 36… đã góp phần giúp cho các chuẩn mực hoạt động của hệ thống các TCTD dần tiệm cận với thông lệ quốc tế.              

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục