Theo sát, hỗ trợ nhiều ngân hàng trong tiến trình xử lý nợ xấu suốt thời gian qua, ông có đánh giá gì về công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng?
Bỏ qua nhiều yếu tố mà tôi nghĩ cộng đồng đã biết và đã nói về nợ xấu cũng như cách xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, tôi nhận thấy có một số chuyển biến mới khiến cho việc xử lý nợ của ngân hàng được chủ động hơn, thực tế và linh hoạt hơn.
Nhiều ngân hàng đã tự xây dựng cho mình quy trình xử lý nợ với những bước xử lý bài bản, trong đó ngay từ cách phân định nợ xấu đã có sự chủ động vượt khỏi phạm vi quản lý hạch toán thuần túy theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Minh Hải
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về cách phân định nợ xấu của các ngân hàng?
Theo quy định của NHNN, các khoản nợ được phân làm 5 nhóm nợ: nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn. Nếu xét về thời hạn quá hạn, một khoản nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên có thể bị coi là nợ xấu và bị xếp từ nhóm 3, nợ dưới tiêu chuẩn trở lên.
Đối với khoản nợ tốt, trong điều kiện khách hàng trả nợ gốc, lãi bình thường, việc phân loại nợ, ngân hàng chỉ việc áp dụng theo đúng quy định của NHNN. Tuy nhiên, đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu, cách mà các ngân hàng phân loại nợ để xử lý hoàn toàn độc lập và khác biệt với quy định của NHNN. Hầu hết các ngân hàng sẽ phân loại nợ theo thực tế khả năng thu hồi, khả năng xử lý bù đắp tài chính của ngân hàng. Các khoản nợ sẽ được phân loại thành: nợ quá hạn, nợ xấu tồn đọng, nợ phát sinh bất thường và nợ không còn khả năng thu hồi.
Trong đó, nợ quá hạn là bất kỳ khoản nợ nào khách hàng không trả gốc, lãi đúng theo định kỳ. Nhiều ngân hàng thành lập những tổ thúc nợ sớm nhằm mục đích nhanh chóng xử lý những khoản nợ quá hạn kiểu này. Nợ xấu tồn đọng là các khoản nợ mà khách hàng rõ ràng đã vi phạm hợp đồng, cam kết với ngân hàng, chây ỳ trả nợ, nhưng khả năng ngân hàng xử lý được nợ tương đối rõ ràng thông qua tài sản bảo đảm. Nợ phát sinh bất thường là bất kỳ khoản nợ nào, kể cả nợ đang trong hạn, nhưng có những yếu tố khiến ngân hàng cho rằng việc thu lại gốc, lãi khoản vay có thể trở lên nan giải.
Ví dụ, doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, khoản vay đang trong hạn nhưng chủ doanh nghiệp bị bắt giam vì một lý do nào đó, ngân hàng sẽ lập tức coi đây là khoản nợ phát sinh bất thường.
Cuối cùng, nợ không còn khả năng thu hồi là cách nhìn thực tế của ngân hàng trước những khoản nợ mà khách hàng suy kiệt, tài sản bảo đảm không còn, xác suất thu hồi được khoản vay bằng không.
Việc phân loại nợ như vậy mang lại hiệu quả gì trong công tác xử lý nợ của các ngân hàng, thưa ông?
Cách phân loại nợ theo quy định của pháp luật là suy từ khả năng trả nợ của khách hàng, còn cách phân loại nợ như trên là suy từ cách nhìn của ngân hàng vào khả năng thực tế xử lý được khoản nợ của chính họ. Với cách nhìn nhận thực tế đó, những khoản vay mà ngân hàng tự xếp vào dạng “nợ không còn khả năng thu hồi”, thì ngân hàng sẽ sớm trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý. Ngân hàng sẽ tránh lãng phí thời gian, nhân lực, tiền bạc để theo đuổi phương án đôn đốc, kiện tụng nhằm thu hồi tiền từ những khoản nợ như vậy.
Đối với những khoản nợ thông thường, nếu như không có sự phân định “nợ phát sinh bất thường”, thì ngân hàng sẽ bỏ lỡ thời cơ sớm thu hồi lại tiền từ khách hàng, khi mà sự bất thường đó chưa kịp diễn biến thành hậu quả thông thường. Đối với những khoản nợ quá hạn, nợ tồn đọng theo cách phân loại, quy trình xử lý nợ của ngân hàng sẽ có những biện pháp xử lý nợ đa dạng. Đó có thể là đốc nợ, thu giữ tài sản bảo đảm, nhận thay thế tài sản, ủy thác, bán nợ… phù hợp với tính chất từng khoản nợ. Qua đó, hiệu quả xử lý nợ sẽ rõ ràng hơn.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác xử lý nợ của các ngân hàng còn tồn tại những hạn chế gì?
Những hạn chế về hiệu quả xử lý nợ xấu của ngân hàng, phát sinh do những nguyên nhân bên ngoài và cả những vấn đề nội tại của ngân hàng.
Những yếu tố khó khăn khách quan bên ngoài như sự phiền hà của thủ tục tố tụng tại tòa án, sự rườm rà của thủ tục hành chính trong sang tên chuyển nhượng tài sản bảo đảm… Tuy nhiên, cần nhìn nhận, chính các ngân hàng còn tồn tại nhiều vấn đề khiến cho hiệu quả xử lý nợ còn bị hạn chế. Một số ngân hàng không thành lập bộ phận xử lý nợ xấu chuyên trách, công tác xử lý nợ do chính đơn vị kinh doanh tiến hành, nên hiệu quả xử lý nợ không cao.
Nhiều ngân hàng xử lý nợ xấu một cách ồ ạt và thiếu nguyên tắc, không có sự phân định rõ thực trạng từng khoản nợ để linh hoạt xử lý. Nhiều khoản nợ, để gây sức ép cho khách hàng, ngân hàng đưa ngay hồ sơ tố cáo khách hàng ra cơ quan công an. Trước đó, họ chưa xem xét kỹ lưỡng thực trạng khoản vay, các yếu tố rủi ro sai phạm từ chính ngân hàng, sự phân định trách nhiệm giữa các bộ phận. Đến khi cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, thì mọi vấn đề trở lên phức tạp với chính ngân hàng cùng ban lãnh đạo, trong khi đó thực chất khoản vay đã không còn khả năng thu hồi.
Một điểm yếu của hầu hết các ngân hàng là thiếu sự phân định trách nhiệm trong xử lý nợ. Mỗi một khoản vay có nguy cơ mất vốn đều có những nguyên nhân rõ ràng gắn với từng cá nhân cụ thể. Nếu phân định rõ ngay từ đầu nguyên nhân, trách nhiệm, thì việc xử lý nợ xấu của ngân hàng sẽ thuận lợi hơn.
Giả sử, tại một chi nhánh ngân hàng, giám đốc không quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng vốn nên khách hàng phát sinh nợ quá hạn. Do cần phải duy trì tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng trong giới hạn chấp nhận được, nên vào thời điểm đó, ban lãnh đạo ngân hàng quyết định tiếp tục cấp hạn mức tín dụng mới cho khách hàng và giải ngân tiếp để đảo nợ.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng cũng điều chuyển giám đốc chi nhánh này và thay thế bằng người khác. Vị giám đốc thay thế là người ký các khế ước giải ngân mới. Sau này, trách nhiệm pháp lý phát sinh với vị giám đốc thay thế, mặc dù thực trạng nợ xấu của khách hàng đã tồn tại từ trước.
Nếu như ngân hàng tiến hành phân định trách nhiệm ngay từ ban đầu và có căn cứ để xác định những hợp đồng, khế ước sau này chỉ là các biện pháp xử lý nợ xấu, thì trách nhiệm pháp lý đã không rối ren như vậy. Thiếu yếu tố phân định trách nhiệm, nhiều nhân sự ngân hàng sẽ chùn bước trong xử lý nợ xấu, đồng thời ngân hàng cũng khó tìm được những nguyên nhân đích thực để phòng ngừa rủi ro tái lập. Xử lý nợ xấu đôi khi chính là xử lý trách nhiệm.
Ngoài các vấn đề nêu trên, theo ông, ngân hàng cần chú trọng thêm điều gì để nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ xấu?
Xử lý nợ xấu cần được ngân hàng tiến hành trên các nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm, kịp thời hiệu quả và linh hoạt. Ngoài ra, cần giảm tải khối lượng nợ xấu phát sinh. Khả năng phát sinh của nợ xấu về phía chủ quan vẫn nằm ở yếu tố con người và quy trình của ngân hàng. Quy trình và con người tốt, thì đồng tiền đi ra khỏi ngân hàng một cách an toàn và có thể quay trở về trong sự an toàn.
Tôi cho rằng, đối với quy trình, ngân hàng nên tìm cách kiểm soát được, thay vì đang tìm cách xây dựng thêm. Rất hiếm ngân hàng có thể biết rõ được số lượng, chất lượng, thực trạng hệ thống quy trình nội bộ của chính mình. Đối với con người, sự thông hiểu quy trình nội bộ, rủi ro nghề nghiệp, rủi ro khách hàng là điều các nhân sự cần ngân hàng quan tâm đầu tư hơn nữa.