Đó là nhận định về kết quả tái cơ cấu trong 5 năm qua do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với các đối tác thực hiện.
Đánh giá chung về quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, theo CIEM, nhiều kết quả tích cực đã đạt được như ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, môi trường kinh doanh được cải thiện liên tục, lạm phát luôn duy trì ở mức thấp, mức tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các năm, các hoạt động đầu tư công, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, của hệ thống ngân hàng đã trở nên minh bạch hơn, có sự giám sát lớn hơn…
Tuy nhiên, đáng lo ngại là dù những nỗ lực tái cơ cấu đang được thực hiện, song thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế không thể xem thường như tái cơ cấu đầu tư công chưa cải thiện rõ rệt, việc xử lý nợ xấu kéo dài, chưa tách hết chức năng chủ sở hữu ra khỏi công tác quản lý, vẫn còn tư duy ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước….
Những vấn đề lớn tồn tại và vẫn hiện hữu mà quá trình tái cơ cấu vẫn chưa giải quyết được đó là, chưa hoàn thành việc chuyển đổi nền kinh tế từ sở hữu Nhà nước là chủ yếu sang tư nhân sở hữu chủ yếu - TS. Nguyễn Đình Cung
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô CIEM, mục tiêu lớn nhất của quá trình tái cơ cấu kinh tế là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực sẵn có và tạo nguồn lực mới cho quá trình phát triển, trong đó giải pháp quan trọng nhất là phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường và theo cơ chế thị trường vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra.
Kết quả, mặc dù tái cơ cấu đã được triển khai mạnh mẽ, song vẫn chưa thể “chạm đến chân” những vấn đề tồn tại, cốt lõi của thể chế kinh tế như tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan Nhà nước, dẫn tới thiếu sự phối hợp và thiếu người chịu trách nhiệm, thiếu cơ chế giám sát kiểm tra giữa các đơn vị cùng cấp và khác cấp; phân bổ nguồn lực đầu tư công vẫn chủ yếu do Nhà nước, chưa sử dụng được cơ chế thị trường.
Ngoài ra, hệ thống quản trị các ngân hàng thương mại đang bộc lộ rất nhiều lỗ hổng lớn, dẫn đến rất nhiều vụ án hình sự được phát hiện trong thời gian qua trong ngành ngân hàng, trong khi những thể chế ngăn ngừa các lỗ hổng này chưa có thay đổi đáng kể.
Phân tích một cách cụ thể, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, những vấn đề lớn tồn tại và vẫn hiện hữu mà quá trình tái cơ cấu vẫn chưa giải quyết được đó là, chưa hoàn thành việc chuyển đổi nền kinh tế từ sở hữu Nhà nước là chủ yếu sang tư nhân sở hữu chủ yếu, dẫn tới những vướng mắc còn lại trong vấn đề sở hữu tài sản, đồng thời chưa tạo dựng được thị trường sơ cấp về đất, tài nguyên thiên nhiên, trong khi thị trường thứ cấp rất méo mó, sai lệch với rủi ro và chi phí giao dịch cao.
“Nhiều loại tài sản chưa được ghi nhận và thừa nhận là tài sản; chưa ghi nhận là tài sản, đương nhiên không có chủ sở hữu và quyền sở hữu tương ứng.
Trong khi đó, ‘sở hữu toàn dân’ còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số tài sản và không thực thi được về mặt pháp lý. Bản thân quyền sở hữu tài sản của cá nhân, pháp nhân còn rất bấp bênh, chưa được bảo vệ một cách chắc chắn và tin cậy, dẫn tới tình trạng cá nhân hay doanh nghiệp hoàn toàn có thể mất trắng hàng trăm tỷ đồng khi có sự thay đổi về chính sách.
Bên cạnh đó, xét về quan hệ giữa người dân (hộ nông dân, doanh nghiệp...) với cơ quan, công chức Nhà nước có liên quan trong phân bố đất đai, tài nguyên thiên nhiên vẫn là quan hệ ‘xin-cho’, ‘ban phát’ theo phương thức hành chính, không phải là giao dịch thị trường.
Các giao dịch thứ cấp cũng theo kiểu tương tự. Đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, sau khi ‘mua và tích tụ được đất’, thì doanh nghiệp đó chưa phải là chủ sở hữu, mà là người đi thuê mảnh đất mà chính họ đã bỏ tiền ra mua để kinh doanh. Đây là những hạn chế rất lớn làm méo mó phân bổ nguồn lực thị trường”, ông Cung nhấn mạnh.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là vẫn chưa thực sự có một môi trường kinh doanh trật tự và công bằng. “Số lượng ngành kinh doanh có điều kiện còn quá lớn, rào cản gia nhập các loại thị trường này còn cao và tốn kém, hạn chế, thậm chí ngăn cản cạnh tranh; giao dịch kinh doanh với Nhà nước và với đối tác còn rủi ro về thể chế…
Trong khi đó, tư duy quản lý Nhà nước còn sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng và không nhận thức được đây là cốt lõi của kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân, vì vậy, vai trò can thiệp của Nhà nước vẫn còn quá đề cao, dẫn tới Nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng…Hệ quả là rất thiếu ‘thị trường’ cho doanh nghiệp và người dân, song lại thừa ‘thị trường’ ở phía Nhà nước”, ông Cung phân tích.
Trước hiện trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, bước vào giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối diện với một số thách thức lớn hơn, nên việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 cần xử lý các vấn đề tồn tại nói trên, đồng thời thực hiện được mục tiêu quan trọng trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường sức cạnh tranh và bảo đảm hội nhập thành công.