Tái cơ cấu ngân hàng: Minh bạch để rộng đường dư luận

Báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn, Chính phủ thừa nhận, việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Trên thực tế, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng dù được đánh giá cao, song cũng còn gây tranh cãi.

Tái cơ cấu ngân hàng: Minh bạch để rộng đường dư luận

“Việc NHNN mua lại bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại yếu kém là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn để đạt được mục tiêu nói trên. Điều này cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ và NHNN kiên quyết xử lý triệt để những ngân hàng yếu kém và cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông trong việc quản trị, điều hành và giám sát hoạt động của ngân hàng”, Thống đốc NHNN khẳng định.

Tuy nhiên, giải pháp chưa từng có tiền lệ của NHNN và câu chuyện nhiều cổ đông ngân hàng bỗng nhiên trắng tay đang gây ra những ý kiến trái chiều.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, việc NHNN mua lại ngân hàng yếu với giá 0 đồng nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống, song lại gây ra tâm lý lo lắng tới nhà đầu tư.

Rủi ro chất lượng tài sản ngân hàng Việt Nam vẫn ở mức cao
(Nguồn: VTV)
“Mua lại 3 ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là một việc làm vô cùng đặc biệt, vì vậy, rất cần thiết phải công bố thông tin một cách cụ thể, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và giải thích rõ ràng, chính xác về cơ sở pháp lý”, ông Đức nói.

Trong khi đó, phân tích với Báo Đầu tư, một thành viên Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: “Ở nước ta, Quốc hội không chấp nhận cho ngân sách mất tiền, Chính phủ tuyên bố không để người gửi tiền thiệt hại. Rõ ràng, không có một phép màu mà ngân sách, người gửi tiền và cổ đông ngân hàng cùng thắng. Trong trường hợp này, các cổ đông ngân hàng yếu kém phải chấp nhận rủi ro. Đây cũng là bài học để các cổ đông nhỏ chọn mặt, gửi vàng, rót vốn vào những ngân hàng minh bạch, hiệu quả”.

Được biết, trước kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của Quốc hội đã đưa vào nội dung: “Tăng cường giám sát việc chuyển đổi sở hữu và quản lý các tổ chức tín dụng yếu kém”.

Lưu thông núi nợ: Ngân hàng không thể đơn thương độc mã

Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu đã giảm thần kỳ từ 17% năm 2012 xuống chỉ còn dưới 3% tính đến cuối tháng 9/2015. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nợ xấu chỉ “sạch ảo”.

Đại biểu Quốc hội Thân Văn Khoa (đoàn Bắc Giang) cho rằng, phần lớn nợ xấu VAMC gom lại vẫn chưa được xử lý, nói cách khác, nợ xấu vẫn còn đó. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nợ xấu hiện nay vẫn chủ yếu được xử lý bằng thủ thuật bút toán chứ không phải giảm thực chất.

Theo số liệu mà ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) cung cấp, tính đến cuối tháng 10/2015, VAMC đã mua về khoảng nợ xấu khoảng 230.000 tỷ đồng, song mới thu về được hơn 15 nghìn tỷ đồng từ xử lý nợ xấu. Như vậy, khoản nợ xấu nằm trong kho VAMC vẫn lên tới 10 tỷ USD và đây là thách thức lớn nhất của NHNN trong thời gian tới.

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: “Cần phải lưu động vốn nhanh từ tài sản thế chấp để trả lại thị trường một nguồn vốn đang bị đọng do nợ xấu”.

Tuy vậy, để núi nợ này được nhanh chóng lưu thông, theo TS. Phước, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý tài sản đảm bảo, hoàn thiện cơ chế cấn trừ nợ, xiết nợ, thủ tục thi hành án. Đồng thời, cho phép các tổ chức tín dụng được quyền bán đấu giá mà không cần thông qua thủ tục phá sản, xử lý tài sản đảm bảo phức tạp, rườm rà…

Thực tế, theo các chuyên gia, với hành lang pháp luật hiện nay, dù có “tiền tươi” thì VAMC và các ngân hàng cũng rất khó có thể xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu. Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu một cách dứt điểm trong bối cảnh thiếu thông tin, thiếu thiện chí hợp tác, thiếu đồng thuận xã hội hiện nay là rất khó và một mình NHNN không thể làm được.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục