Cuộc chiến với chính mình
Tập trung vào ngành nghề cốt lõi có thế mạnh và tái cơ cấu nhân sự, giảm thiểu bộ máy cồng kềnh là hai hoạt động nhiều DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty tập trung thực hiện trong thời gian qua. Không dễ để thực thi những giải pháp quyết liệt đụng chạm đến quyền lợi và tư duy con người, vốn đã trở thành những tường lũy vững chắc ăn sâu vào lòng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) cho biết, đã có những lời thách thức bắn đến ông: “Để xem ông ta làm được gì, tôi sẽ chờ đến ngày ông thất bại”. Cắt giảm 30.000 nhân sự, đồng nghĩa với việc cần đến khoản kinh phí rất lớn để lo đủ chế độ cho những lao động này. SBIC lấy ở đâu? Một sự vận dụng sáng tạo đã được thực hiện. Tổng công ty đề xuất với Chính phủ cho phép sử dụng lãi tiền gửi tái cơ cấu để xử lý. Người lao động được giải quyết chế độ thỏa đáng, đúng quy định, tái cơ cấu lao động hoàn thành, không có khiếu kiện nào nảy sinh.
Tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), ĐHCĐ đầu năm 2014 của VNS được nhận xét là nóng với nhiều góc độ. Đó chính là thông điệp tái cấu trúc toàn diện được đưa ra, tập trung vào sắp xếp lại bộ máy tổng công ty mẹ và hệ thống phân phối. Những tồn tại bao lâu nay phải gỡ bỏ, tình trạng lỗ phải chấm dứt bằng mọi cách có thể. Từ quyết tâm đó, VNS đã có lãi và hoạt động ngày càng tiến triển.
Đối với Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), bà Đàm Thị Huyền, nguyên Phó tổng giám đốc Petrolimex chia sẻ, khi quyết định áp dụng giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) vào toàn hệ thống, thực sự đó là cuộc đấu tranh giữa những người lãnh đạo vì muốn cả hệ thống thay đổi, trước tiên Ban lãnh đạo phải thay đổi, phải học hỏi và áp dụng những quy tắc mới trong công việc.
Có nhiều lãnh đạo ban đầu nhất định không hợp tác và bà gọi dự án này không khác gì một trận Điện Biên Phủ của ngành xăng dầu. Đến bây giờ, việc áp dụng ERP đã đem lại kết quả rõ rệt, ở bất cứ thời điểm nào, lãnh đạo tùy cấp có thể tra xuất thông tin số liệu một cách rõ ràng ở những khu vực mình phụ trách, hệ thống cũng cho phép tra xuất tự động những nơi nào có dấu vết nghi ngờ về gian lận…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là vài câu chuyện cho thấy khối DNNN đang có sự chuyển động nhất định, nhìn một cách thẳng thắn, sự thay đổi về chất và có trọng lượng chưa diễn ra. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, rủi ro của tài chính quốc gia từ khu vực DNNN vẫn còn tiềm ẩn do tình hình tài chính của nhiều DNNN quá khó khăn, rủi ro từ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản Chính phủ vay về cho vay lại, vay ưu đãi có hỗ trợ lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp của DNNN.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Bùi Trinh, Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khối DNNN thì các tập đoàn, tổng công ty thuộc Trung ương quản lý có tỷ lệ nợ phải trả so với tổng nguồn vốn xấp xỉ 4 lần. Tốc độ tăng về nợ của khối DNNN năm 2011 so với năm 2006 là 2,2 lần và tăng bình quân hàng năm vào khoảng 16%. Tỷ lệ nợ phải trả của các DNNN từ năm 2006 đến nay cao hơn GDP.
Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 9/10, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, chưa có một báo cáo tổng kết về tình hình thực hiện tái cơ cấu của DNNN theo các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, tới đây, khi Nghị định 81/2015/NĐ-CP được thực thi với cơ chế công bố thông tin có thể coi là nghiêm ngặt đối với DNNN, sức khỏe của khu vực doanh nghiệp này sẽ được bộc lộ.
Trước mắt, cơ quan này sẽ tăng cường giám sát các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc có nhiều yếu kém về tài chính. Động thái công bố Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) vào diện giám sát đặc biệt đã thể hiện rõ quan điểm ấy.
“DNNN không được lỗ 2 năm liên tiếp, năm 2014, Vinafood 2 đã lỗ lớn, 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy hoạt động của Vinafood 2 này chưa được cải thiện, có khả năng lỗ tiếp năm 2015, nên chúng tôi đưa vào diện giám sát đặc biệt, nhằm có giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thoát tài sản nhà nước”, ông Tiến nói.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Thăng Long cho rằng, cần nhanh chóng và dứt khoát trong thoái vốn ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Chỉ nhìn vào mục tiêu thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty cũng thấy bề bộn nhiều việc phải làm.
Tính đến cuối tháng 9/2015, vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty chưa xử lý được vẫn còn tới 18.000 tỷ đồng, trong đó 11.000 tỷ đồng nằm ở lĩnh vực ngân hàng, gần 6.000 tỷ đồng nằm ở lĩnh vực bất động sản. Đã có những tiếng nói từ bản thân các DNNN cho rằng, với cung cầu và diễn biến thị trường như hiện nay, không thể thoái được vốn đầu tư kịp giờ G mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra là vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, nếu phân tích và nhìn nhận một cách thấu đáo, việc thoái vốn không hẳn rơi vào bế tắc, quan trọng là thái độ nghiêm túc và quyết liệt của chính những doanh nghiệp đang ôm các khoản đầu tư này.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư dưới giá vốn. Quyết định 51/2014/QĐ-TTg cũng đã trao cho doanh nghiệp quyền thoái vốn dưới mệnh giá. Nếu doanh nghiệp đã trích dự phòng đầy đủ, nhiều khả năng sẽ không bị lỗ, chưa kể Chính phủ cho phép tính cả các khoản cổ tức được trả trong thời gian đầu tư, các khoản đầu tư bán ra trên giá vốn…
Vấn đề là liệu các tập đoàn, tổng công ty đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản đầu tư ngoài ngành? Câu trả lời là chưa, mặc dù báo cáo tài chính của khu vực DNNN chưa được công bố ra thị trường, nên khó có thể đánh giá chính xác và có thông tin cụ thể cho vấn đề này.
Lấy ví dụ, trong thương vụ sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tỷ lệ chuyển đổi là 2,2:1 (2,2 cổ phần SDFC đổi được 1 cổ phần MB), SDFC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Sông Đà là cổ đông có số vốn góp lớn nhất. Nếu không bán được cổ phần cho đối tác khác với giá cao hơn, thì với tỷ lệ chuyển đổi như trên và mức giá hiện tại của cổ phiếu MB đang xoay quanh 15.000 đồng/CP, Tổng công ty Sông Đà lỗ ít nhất 30% cho riêng khoản đầu tư này.
Đáng chú ý, trong danh mục 31 công ty cổ phần, quỹ đầu tư thuộc diện thoái vốn của Tổng công ty Sông Đà, có nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả như Thanh Hoa Sông Đà, Phòng cháy chữa cháy và đầu tư xây dựng Sông Đà, Công ty TNHH Sông Hồng Nha Trang, Sông Đà 12, Sông Đà 25, Thủy điện Bình Điền, Xây dựng Sông Đà Jurong, Cao su Phú Riềng Kratie, Xi măng Hạ Long… Nếu trích lập dự phòng đầy đủ, nhiều khả năng khoản lãi hơn 200 tỷ đồng trước thuế của Tổng công ty năm 2014 sẽ bị “thổi bay”, doanh nghiệp đang lãi thành lỗ.
Thực trạng trên diễn ra tại không ít tập đoàn, tổng công ty. Điều này có thể là lời giải thích cho việc chần chừ hoặc đưa giá cao trong các đợt thoái vốn ngoài ngành dẫn đến thất bại trong chào bán, nguyên nhân không hẳn do khách quan từ thị trường, mà là từ phía doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm cho hay, các dự án hoặc doanh nghiệp bất động sản có tiềm năng đang được săn mua thời điểm này, không hề có chuyện chào bán khó khăn. Chỉ có chuyện doanh nghiệp “hét” giá quá cao, cộng với các điều kiện chuyển nhượng ngặt nghèo nên không thể bán được. Đơn cử, có những thương vụ nhà đầu tư muốn mua khách sạn, nhưng doanh nghiệp nhất định đòi bán kèm cả khu đô thị xa lắc, nên dẫn đến đàm phán thất bại.
Liệu có giãn thời hạn thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN? Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, đến thời điểm này chưa có chủ trương hoặc đề xuất chính thức nào từ phía các doanh nghiệp và các, bộ ngành, năm 2015 vẫn là hạn chót để các DNNN hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Để thực hiện được mục tiêu trên, sự chủ động của các doanh nghiệp là cần thiết.
“Doanh nghiệp phải thay đổi cách thức chào bán, thay vì ngồi nhà rao bán, phải chủ động tìm kiếm khách hàng, đưa thông tin về món hàng mình cần bán đến với người mua tiềm năng, kể cả ra nước ngoài”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.
Bước đột phá trong cổ phần hóa
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, tốc độ và chất lượng cổ phần hóa DNNN năm 2015 được đặt lên bàn nghị sự. Báo cáo của Ban Đổi mới DNNN ước tính, năm nay chỉ hoàn tất cổ phần hóa được khoảng 200 doanh nghiệp, còn lại 89 doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ không về đích đúng hẹn. Nhưng đó cũng vẫn là con số lạc quan, bởi tính đến cuối tháng 9, cả nước mới cổ phần hóa được 102/289 doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, câu chuyện về số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đã không còn được nhắc đến nhiều, mà lớn hơn đó là chất lượng cổ phần hóa. Nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý, DNNN cũng như giới chuyên gia đều chia sẻ một quan điểm rằng, nếu doanh nghiệp IPO mà chỉ bán được 5 - 7% cổ phần thì không thể coi là doanh nghiệp cổ phần hóa thành công, vì quản trị doanh nghiệp không có sự thay đổi, đổi mô hình hoạt động nhưng thực chất là “bình mới, rượu cũ”.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sau cổ phần hóa trung bình là 90% tại 143 doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2014. Trong 247 DNNN cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2014, chỉ có 3 doanh nghiệp bán hơn 5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, đều là những doanh nghiệp Nhật Bản (bao gồm cả công ty liên doanh trong nước).
Hiện tại, với những quy định pháp lý mới, trong đó đáng chú ý là quyết định cho phép bán cổ phần theo lô và quy định về công bố thông tin với DNNN vừa được Chính phủ ban hành gần như cùng lúc vào giữa tháng 9/2015, có nhiều hy vọng về một bước tiến mới trong chất lượng cổ phần hóa DNNN. Giới đầu tư nhận xét, đây là những giải pháp mang tính thị trường, tạo cơ sở để nắn tiến trình cổ phần hóa DNNN đi đúng hướng.
Thực trạng sức khỏe cũng như độ chính xác của các thông tin về doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty, những doanh nghiệp được săn đón như MobiFone, Vinaphone hay một loạt cảng biển từ Bắc chí Nam, sẽ không còn là cơn đau đầu của giới đầu tư nữa.
Theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN, có tới 9 nội dung được quy định công bố định kỳ. Từ chiến lược phát triển của doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp, đến báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, thậm chí là chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp đều sẽ phải công khai.
Nghị định 81 cũng quy định người quản lý DNNN có thể bị kỷ luật, hạ lương, thậm chí là xử lý hình sự nếu doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin dẫn đến gây thất thoát vốn nhà nước. Bộ Tài chính sẽ thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải những thông tin được DNNN công bố, đây chính là cơ sở cho một sự giám sát toàn dân và giám sát của thị trường.
Các quy định mang tính kỷ luật cao về công bố thông tin này chính là sự hậu thuẫn rất quan trọng cho quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bán cổ phần theo lô có hiệu lực từ ngày 15/9/2015. Bởi lẽ, đối tượng chính quan tâm tới phương thức này là các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính; có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp...
Để hiện thực được các mục tiêu này, nhà đầu tư phải có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy để đánh giá “món hàng”. Không chỉ dựa vào các thông tin ước tính, năm nay chỉ hoàn tất cổ phần hóa được khoảng 200 doanh nghiệp chủ động công bố ra thị trường, từ nay họ được quyền tiếp cận, yêu cầu cung cấp và thực địa trực tiếp tại doanh nghiệp để “xem hàng”.
Để thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi, Chính phủ cũng có quan điểm rất rõ ràng về tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp trong các phương án cổ phần hóa. Nếu như trước đây, doanh nghiệp IPO chỉ bán được 5 - 10% cổ phần, sau đó xin Chính phủ phê duyệt lại đề án cổ phần hóa, tăng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp, thì nay cơ chế này chấm dứt. Trong vòng 1 năm sau IPO, doanh nghiệp phải tiếp tục bán hết số cổ phần đã được phê duyệt chào bán ra ngoài và Nhà nước không điều chỉnh lại phương án cổ phần hóa, gắn trách nhiệm này với người đứng đầu doanh nghiệp.
Như vậy, có thể nói, các quy định mới đã rất mở, để các DNNN và nhà đầu tư chiến lược đến gần với nhau hơn, tạo ra bước đột phá về chất lượng cổ phần hóa. Tất nhiên, có khung khổ pháp lý đầy đủ mới chỉ là bước đầu để đẩy nhanh tiến trình này, quan trọng hơn chính là sự chủ động và mức độ quyết đoán của các Ban chỉ đạo cổ phần hóa và sự nhiệt huyết của các tổ giúp việc đặt tại doanh nghiệp.
Để cổ phần hóa được công ty mẹ Tập đoàn Dệt may, có tới 30 công văn Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp này gửi tới Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo, chính là một ví dụ cho thấy rất khó để có thể ban hành các văn bản pháp luật bao quát và xử lý được tất cả những vấn đề, khó khăn nảy sinh trong quá trình cổ phần hóa DNNN.
“Những vướng mắc về công nợ, tài chính… đều có biện pháp tháo gỡ, nếu doanh nghiệp báo cáo đầy đủ và trung thực lên các cơ quan chức năng. Chúng tôi sẵn sàng vào cuộc xử lý cùng doanh nghiệp”, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định.
Với những chuyển động gần đây, ông Phạm Quang Dũng nhận xét, đã có những bước tiến dài về quan niệm và tư duy trong thực hiện tái cơ cấu DNNN, hướng đến mục tiêu cao nhất là tạo ra sự thay đổi về cung cách hoạt động, tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Những cách làm mang tính hình thức, nửa vời sẽ dần được hạn chế, loại bỏ, nhường đất cho tái cơ cấu ngày một thực chất hơn.