Tái cơ cấu đầu tư công, mới giải quyết phần ngọn

(ĐTCK) Đầu tư công là 1 trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu then chốt nền kinh tế mà Việt Nam đang tích cực triển khai. Để giải quyết gốc rễ tình trạng lãng phí và kém hiệu quả của đầu tư công, cần xóa bỏ cơ chế phân cấp đầu tư theo kiểu “khoán trắng” cho địa phương như hiện nay.
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Vay để đảo nợ ngày càng lớn

Tái cơ cấu đầu tư công hiện chỉ giải quyết phần ngọn, chứ chưa giải quyết phần gốc của vấn đề. Nguyên nhân sâu xa gây lãng phí và kém hiệu quả của đầu tư công là cơ chế phân cấp đầu tư theo kiểu “khoán trắng” cho địa phương; chính quyền trung ương không kiểm soát được phần ngân sách trung ương phân cấp cho địa phương (Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ kiểm soát được 2,8% tổng giá trị đầu tư cho ngành này là một điển hình).

Nhiều năm qua, liên tục xuất hiện tình trạng tăng mức bội chi và phát hành trái phiếu chính phủ (nhưng không tính vào bội chi) để phân bổ vốn cho các ngành và địa phương đầu tư vào các lĩnh vực mà Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, chưa có đánh giá mang tính định lượng nào về hiệu quả của các dự án đã sử dụng nguồn vốn này, mặc dù Chính phủ có đưa ra tiêu chí để phân bổ vốn. Các ngành, địa phương đưa ra quá nhiều dự án, trong khi nguồn vốn rất hạn chế, nên có tình trạng nơi nào, ngành nào “chạy” thủ tục sớm thì được chấp thuận và giải ngân sớm, nơi nào chậm thì để lại. Hệ quả là tính ưu tiên và tính đồng bộ của đầu tư bị phá vỡ, vốn “nằm” khắp nơi, trong khi ngân sách phải trả lãi...

Cơ cấu nợ công đang đối mặt với áp lực tăng nhanh nghĩa vụ trả nợ hàng năm, khi vượt khả năng cân đối nguồn thu trả nợ của ngân sách trung ương, dẫn đến phải vay để đảo nợ ngày càng lớn. Chẳng hạn, năm 2014 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là 208.883 tỷ đồng, thì phần cân đối ngân sách chỉ có 118.750 tỷ đồng, phải vay để trả nợ trên 90.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng dần trong các năm tới. Đây chính là điểm đáng lo ngại của nợ công.

Lâu nay, khi nói đến an toàn nợ công, chúng ta thường nhấn mạnh đến tỷ lệ nợ công so với GDP, mà chưa nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng hơn là tổng số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2013, chỉ số này của Việt Nam là 22,3% và có dấu hiệu sẽ tăng nhanh trong các năm tới. Khi tỷ lệ trên vượt 25%, thì bắt đầu báo động và vượt 30% là mất an toàn. 

Cần xây dựng cơ chế ngân sách “cứng”

Để tái cơ cấu đầu tư công, phải giải quyết được các vấn đề từ gốc, cần đổi mới căn bản Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công và các đạo luật khác có liên quan. Đổi mới căn bản quy trình lập và thông qua ngân sách hàng năm của Quốc hội. Nếu duy trì việc thông qua ngân sách hàng năm của Quốc hội dưới hình thức một Nghị quyết, thì phải thực hiện qua 2 kỳ họp của Quốc hội (kỳ họp giữa năm thảo luận và quyết định chủ trương phân bổ ngân sách, định hướng chi tiêu…; kỳ họp cuối năm mới thông qua con số cụ thể). Đồng thời, nâng cao vai trò của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong dự toán, thẩm định ngân sách, giám sát thực thi ngân sách. Xác định vai trò tự chủ của chính quyền địa phương đối với ngân sách địa phương.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế ngân sách “cứng”, xoá cơ chế ghi thu ghi chi; không duy trì các loại quỹ trong cơ quan hành chính công quyền. Cần đảm bảo rằng, không có khoản chi nào của cơ quan hành chính nhà nước mà không nằm trong dự toán ngân sách đã được Quốc hội hoặc HĐND quyết định hàng năm. Nếu kỷ cương ngân sách không được thiết lập như vậy, thì không thể kiểm soát được nợ công.

Bên cạnh đó, phải cải cách mạnh mẽ nền hành chính công theo hướng làm rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền, tránh trùng lắp công vụ; nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi phân quyền. Xóa cơ chế phân cấp theo kiểu “khoán trắng” như hiện nay, thay bằng 2 loại cơ chế: phân quyền và ủy quyền giữa trung ương và địa phương một cách minh bạch, trách nhiệm rõ ràng. Những vấn đề này liên quan đến các dự án luật mà Quốc hội đang xem xét: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức chính phủ, Luật Ngân sách nhà nước. Ba dự luật này có ý nghĩa quyết định để cải cách nền hành chính công và tài chính công.

Kỳ cuối: “Tái cơ cấu ngân hàng, kết quả đạt được còn hạn chế”, của GS.TS Trần Thọ Đạt và các cộng sự Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

TS. Trần Du Lịch

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục