Tài chính toàn diện và vai trò của phụ nữ

(ĐTCK) Dù đã có những thành công nhất định trong triển khai tài chính toàn diện trên phạm vi toàn cầu, nhưng vẫn còn nhiều rào cản cần gỡ bỏ.
Tài chính toàn diện và vai trò của phụ nữ

Chưa bình đẳng giới trong tiếp cận dịch vụ tài chính

Tại Hội thảo chuyên đề khu vực ASEAN về tài chính toàn diện năm 2019 với chủ đề “Trao quyền kinh tế cho nữ giới thông qua đổi mới tài chính toàn diện”, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo Findex 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tiếp cận tài chính toàn cầu là 69%, tăng 7% so với năm 2014 và 18% so với năm 2011.

Trong đó, tại các nước đang phát triển, con số này tăng từ 54% năm 2014 lên 63% năm 2017.

Kết quả đạt được đã giúp người dân và doanh nghiệp được sử dụng dịch vụ tài chính tốt hơn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện các chỉ số về tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. 

“Dù đã có những thành công nhất định trong triển khai tài chính toàn diện trên phạm vi toàn cầu, sẽ vẫn còn nhiều thách thức phải xử lý đặt ra cho cộng đồng quốc tế”, ông Kim Anh nói.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam dẫn chứng, bất chấp những nỗ lực to lớn của ADB để thúc đẩy bình đẳng giới, trên toàn cầu, phụ nữ vẫn tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức ít hơn so với nam giới.

Theo dữ liệu tài chính toàn diện toàn cầu mới nhất, trên thế giới, vẫn còn tới 1,7 tỷ người trưởng thành chưa có  tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, phụ nữ, đặc biệt là những người ở các nước thu nhập thấp và trung bình có ít quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính chính thức.

Trong năm 2017, chỉ có 58,6% phụ nữ trưởng thành có tài khoản tại một tổ chức tài chính hoặc nhà cung cấp dịch vụ tiền điện thoại di động, so với 67,5% của nam giới trưởng thành.

Cũng theo ông Eric Sidgwick, trong khu vực ASEAN, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng bị thiệt thòi đáng kể.

Trong số 61,3 triệu phụ nữ trên khắp ASEAN sở hữu và điều hành doanh nghiệp, nhiều người vẫn có quyền truy cập hạn chế vào các dịch vụ tài chính so với các đối tác nam của họ.

Chỉ có 5 - 6% doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ; 12 - 15% doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ và 17 - 21% doanh nghiệp cỡ trung bình do phụ nữ làm chủ được báo cáo là có đủ khả năng tiếp cận tài chính. 

Một nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey cho thấy, nếu phụ nữ ở Đông Á và Đông Nam Á ngang hàng với hoạt động kinh tế của các đồng nghiệp nam, họ sẽ tăng thêm khoảng 900 tỷ USD sản lượng hàng năm vào năm 2025, tăng GDP khoảng 8% trong khu vực.

Rào cản phụ nữ khi tiếp cận các dịch vụ tài chính

Bà Akiko Yoneyama, tư vấn Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) chia sẻ, quá trình trao đổi với JICA, nhiều phụ nữ cho biết những rào cản đến từ việc họ không có các giấy tờ thích hợp để mở tài khoản; quy trình xin vay vốn quá phức tạp.

Tài chính có vẻ như thuộc lãnh thổ của đàn ông, phụ nữ cảm thấy xấu hổ khi bước chân vào thế giới đó.

Sau khi tiếp cận được các dịch vụ tài chính, phụ nữ lại gặp khó khăn khi muốn tập trung vào việc xin vay vốn cho doanh nghiệp của mình nhưng lại có quá nhiều việc nhà cần phải làm, hay họ không được học nhiều về các con số ở trường nên không thể quản lý tài chính của mình. 

Một tổ chức tài chính Ấn Độ có tên gọi “Womentum” đã tiến hành điều tra xem điều gì xảy ra sau khi phụ nữ nhận được khoản vay vi mô cho thấy, áp lực trả nợ ngắn hạn các khoản vay vi mô thường khiến các doanh nhân nữ mất tập trung vào việc đưa ra các quyết định hướng tới tương lai.

Điều này có thể gây hại cho doanh nghiệp nhỏ mà họ đang cố gắng bắt đầu triển khai trong dài hạn.

“Phải mất hàng tháng trời để con gà đẻ trứng và tạo ra thu nhập, nhưng họ muốn chúng tôi trả hết nợ từ tuần đầu tiên. Chúng tôi sẽ tìm tiền từ đâu để nuôi gà và bản thân mình cho đến lúc đó. Do đó, nhiều phụ nữ lại vay để trả nợ khoản vay ban đầu”, thông tin từ cuộc điều tra cho biết.

Ông Francesco Strobbe, chuyên gia tài chính cao cấp WB cho biết, hầu hết các doanh nhân nữ theo đuổi định hướng tăng trưởng đều rơi vào một cái bẫy gọi là “thiếu hụt đoạn giữa” (missing middle), trong đó họ không được phục vụ bởi các ngân hàng thương mại cũng như các tổ chức tài chính vi mô.

Quy mô khoản vay tối thiểu cao và yêu cầu tài sản thế chấp quá mức đã hạn chế cơ hội tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng thương mại của phụ nữ. Các tổ chức tài chính vi mô chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ với các chương trình cho vay theo nhóm nhằm cung cấp các khoản vay rất nhỏ và có xu hướng tiếp cận thấp với phụ nữ (30%). 

“Do đó, các doanh nghiệp theo đuổi định hướng tăng trưởng do phụ nữ làm chủ thiếu vốn đầu tư cần thiết để phát triển và lớn mạnh”, ông Francesco Strobbe nói.

Thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện, những bài học quý

Các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai chiến lược tài chính toàn diện. Ông Dave Grace, Tư vấn tài chính toàn diện của ADB cho biết, trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Uganda, Chính phủ tăng cường mua sắm từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. 

Ông Luis Trevino Garza, Quản lý chính sách cấp cao Liên minh tài chính toàn diện (Alliance for Financial Inclusion-AFI) thì đưa ra gợi ý, dữ liệu là một công cụ có thể được sử dụng trong các giai đoạn thực hiện chính sách khác nhau nhằm xác định, theo dõi tiến độ và đánh giá kết quả.

Thu thập dữ liệu tài chính phân chia theo giới là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự hợp tác, do đó, cần bắt đầu bằng việc sử dụng dữ liệu dễ thu thập và chia sẻ những hiểu biết để tạo sự quan tâm và hỗ trợ từ các bên liên quan. 

Ông Francesco Strobbe khuyến nghị giải pháp trên cơ sở thực tế từ các tình huống nghiên cứu ở Ethiopia như Chương trình mở rộng quy mô tổ chức tài chính vi mô và cho vay dựa trên dữ liệu cho các doanh nhân nữ theo đuổi định hướng tăng trưởng.

Hay như tại Madagascar đã sử dụng dữ liệu telco để cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa bán chính thức và không chính thức.

Còn ở Zimbabwe, các tổ chức tài chính sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và dữ liệu email để xét duyệt khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Còn Indonesia sử dụng công nghệ cho vay ngang hàng (P2Plending) để tiếp cận các doanh nhân nữ.

Bà Kamisah Abd Kadir, Phó Vụ trưởng Ngân hàng Trung ương Malaysia cho biết, BizWanita-i ra mắt vào tháng 10/2015 là Quỹ tài chính phục vụ riêng các doanh nhân nữ mới tiến hành hoạt động kinh doanh dưới 4 năm. 

“Các sáng kiến và kinh nghiệm, bài học được đúc rút trong tiến trình triển khai tài chính toàn diện có ý nghĩa quan trọng giúp các quốc gia ASEAN nâng cao tính hiệu quả trong quá trình hoạch định các chiến lược, giải pháp và chính sách cụ thể để nâng cao hơn nữa vị thế của phụ nữ trong xã hội”, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục