Nhức nhối tín dụng đen
Nhu cầu vay tiền của người dân để chi tiêu, mua sắm rất lớn, nhưng không dễ đáp ứng được điều kiện của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng đều có cơ chế chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho khoản vay nên đây là cơ hội cho tín dụng đen phát triển.
Sự nhức nhối của tín dụng đen liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất từ 250 - 365%/năm như chuyên án tín dụng đen vừa được Công an tỉnh Quảng Bình đấu tranh phá án vào đầu năm nay, hay hoạt động đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen” đang gia tăng.
Ung nhọt tín dụng đen đòi hỏi cấp thiết phải có giải pháp và tài chính tiêu dùng với dư địa phát triển còn lớn được coi là một trong những lời giải. Kỳ vọng sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ là bàn đạp đẩy lùi được hiện tượng cho vay nặng lãi và tín dụng đen.
Thực tế, các công ty tài chính xuất hiện với điểm mạnh là giải quyết nhanh chóng thủ tục đầu vào cho khách hàng, giải ngân nhanh và thường cho vay tín chấp, đã thu hút được nhiều đối tượng khách hàng cá nhân - những người có thu nhập từ thấp đến trung bình.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu tín dụng tiêu dùng phát triển và tới gần hơn với người dân, không để các hình thức tín dụng đen tiếp cận với một bộ phận khách hàng chưa phân biệt được các tổ chức được cấp phép về tín dụng thì sẽ góp phần làm ổn định xã hội.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm, tín dụng tiêu dùng và tín dụng đen rất khác nhau, bản chất của 2 sự việc cũng khác nhau về đối tượng đi vay, mục đích đi vay cũng như lãi suất vay. Nếu đặt vấn đề tài chính tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen, thì tài chính tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan, nhưng chưa chắc là công cụ chính.
Năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 563/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, tổ chức tín dụng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh
Bà Tùng cho biết, cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2020 đạt 33,7%/năm, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%/năm.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận xét, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt, dư nợ toàn hệ thống tổ chức tín dụng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần năm 2012 (8%). Trong đó, tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm 55,5%). Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản.
Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm tín dụng bất động sản nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm - tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng 15,4%). Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… khi tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng bất động sản nhà ở) chiếm từ 15 - 35%/tổng dư nợ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối năm 2020, có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng. TS. Lực nhìn nhận, mạng lưới hoạt động của các công ty tài chính ngày càng phát triển và có xu hướng tiếp cận gần gũi hơn với khách hàng. Khác với ngân hàng thương mại, những công ty này thông qua các cửa hàng phân phối, đại lý hàng hóa phủ rộng như Điện máy xanh, Thế giới di động… để tiếp xúc và hỗ trợ khách hàng.
Trong đó, FE Credit hiện là công ty dẫn đầu thị trường Việt Nam (khoảng 52% thị phần) với hơn 19.000 điểm bán trên toàn quốc, 9.500 đối tác chiến lược và phục vụ hơn 11 triệu khách hàng, tổng dư nợ đến cuối năm 2020 đạt khoảng 66.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 4.500 tỷ đồng và nằm trong Top 20 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất năm 2020.
Sự có mặt của các công ty tài chính tiêu dùng đã gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp - nhóm khách hàng dưới “chuẩn” cho vay của các ngân hàng thương mại truyền thống.
“Quá trình phát triển 10 năm qua của thị trường tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã thay đổi đáng kể cả về chất và lượng. Chính sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng vào đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân. Đồng thời, thị trường tổ chức tín dụng góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cùng với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện”, TS. Lực nói.
Theo ông Phan Đức Hiếu, đối với việc bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao nhận thức người dân là rất quan trọng, phải để người dân gánh chịu rủi ro và tự mình nhận lấy bài học. Chính phủ cần tính đến việc xây dựng các quy định về phá sản cá nhân để các khoản nợ được giải quyết, bảo vệ tổ chức cho vay. Tranh chấp kéo dài 2 - 3 năm, nhiều năm hoặc không có cơ hội giải quyết vấn đề sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển của thị trường.
Cần phát triển lành mạnh, bền vững hơn
Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có định hướng phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm.
Đến cuối năm 2020, có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng.
Ông Lực cho rằng, một trong những giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, đó là các công ty tài chính rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh Covid-19. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp. Các công ty tài chính cần xây dựng và thường xuyên đánh giá các kịch bản thị trường để có thể lường đón và kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit chia sẻ, khởi đầu là sản phẩm vay trả góp 2 bánh, tới nay, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, Công ty đã mở rộng sản phẩm dịch vụ như trả góp thiết bị điện máy, thiết bị gia dụng, thẻ tín dụng, bảo hiểm liên kết… đáp ứng nhu cầu ngắn và dài hạn của khách hàng. Sau đó, FE Credit ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cấp thiết của khách hàng, hiện có hơn 2,2 triệu thẻ tín dụng đã được phát hành. Bên cạnh đó, Công ty đẩy mạnh triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết tới khách hàng.
“Mỗi sản phẩm tài chính tại FE Credit đều được thiết kế và tối ưu hóa để phù hợp với nhu cầu cụ thể, giúp người dân đạt được mục tiêu sống thiết yếu mà không phải chịu áp lực quá lớn về tài chính, cân đối khả năng chi tiêu ngay cả trong các chu kỳ biến động của thu nhập”, ông Phúc nói.
Cách đây 10 năm, người dân có đủ tiền mới mua sắm, nhưng bây giờ có xu hướng vay rồi mua, hoặc thuê về dùng. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, khả năng trả nợ có thể giảm, FE Credit duy trì quan điểm thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng và công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp tín dụng. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ nền tảng công nghệ hiện đại, xây dựng hệ sinh thái số - gia tăng trách nhiệm với khách hàng, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng lâu dài.
“Cho đến hiện tại, nhờ áp dụng thành công những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data…, FE Credit đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP”, ông Phúc nói.
FE Credit còn đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cung cấp hàng trăm tiện ích, tính năng, dịch vụ đáp ứng gần như mọi nhu cầu giao dịch, thanh toán của người dùng mọi lúc, mọi nơi. Gần 2 triệu khách hàng tại Việt Nam đã và đang sử dụng ứng dụng FE Credit Mobile để quản lý khoản vay và thẻ tín dụng của họ. Mỗi ngày có gần 6.000 lượt cài đặt mới.
“Đây chính là xu hướng tất yếu cho quá trình phát triển lâu dài của thị trường”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân.
Thứ ba, tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, đặc biệt các công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.