Tái cấu trúc ngành ngân hàng: Vốn ngoại sẽ theo sau vốn nội

(ĐTCK) TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nếu trong nội bộ hệ thống ngân hàng không ưu tiên xử lý cho nhau thì quá trình tái cấu ngành sẽ không được nhanh gọn như thời gian qua. Sau giai đoạn này, khả năng thu hút vốn ngoại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.
Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, room ngân hàng sẽ mở rộng hơn Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, room ngân hàng sẽ mở rộng hơn

Vốn ngoại vào ngân hàng Việt Nam còn dè dặt, dù Chính phủ đã có chủ trương cho phép NHTM yếu kém có thể được bán 100% vốn, theo ông là vì sao?

Có 3 lý do lý giải cho tình trạng này. Thứ nhất, tài chính - ngân hàng luôn là lĩnh vực nhạy cảm trong nền kinh tế. Thứ hai, chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính - ngân hàng, nhưng ưu tiên xử lý bằng nguồn lực trong nước trước, sau đó mới thu hút yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn, một ngân hàng yếu kém thì ưu tiên các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước sáp nhập, hợp nhất với nhau. Thứ ba, chúng ta có định hướng là một ngân hàng lớn sáp nhập thêm một ngân hàng nhỏ, yếu kém.

Theo tôi, nếu định chế tài chính sau sáp nhập hoạt động không hiệu quả thì cần thiết phải bán cho NĐT nước ngoài ở một tỷ lệ sở hữu cao hơn. 

Phải sáp nhập thêm một ngân hàng nhỏ yếu kém, liệu hoạt động của nhà băng lớn có bị ảnh hưởng?

Nếu trong nội bộ hệ thống ngân hàng không ưu tiên xử lý cho nhau thì quá trình tái cơ cấu ngành sẽ diễn ra chậm, không được nhanh gọn như thời gian qua. Giả sử có một tổ chức tín dụng yếu kém, nếu NĐT nước ngoài mua thì sự tìm hiểu, định giá, đánh giá, hoàn tất thủ tục pháp lý cần rất nhiều thời gian. Thời gian kéo dài có thể tạo ra sự đổ vỡ, rất nguy hiểm.

Vì vậy, chúng ta ưu tiên cho các yếu tố trong nước tham gia tái cơ cấu trước để có thể rút ngắn thời gian của tiến trình tái cấu trúc và tạo sự ổn định cho hệ thống. Bởi giữa các ngân hàng nội với nhau có sự tương đồng về hoạt động, về văn hóa, nên tiến trình M&A sẽ nhanh hơn. Sau khi giai đoạn này hoàn tất, khả năng việc thu hút vốn ngoại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, lộ trình này cũng khớp với lộ trình mở cửa và hội nhập của lĩnh vực tài chính Việt Nam. Theo lộ trình, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm nay, khi đó room ngân hàng sẽ mở rộng hơn.

TS. Cấn Văn Lực
 

Có ý kiến cho rằng, chính cơ hội được thành lập ngân hàng con khiến NĐT ngoại không còn mặn mà với việc mua lại 100% vốn tại ngân hàng nhỏ hoạt động yếu kém?

Thực tế cho thấy, các ngân hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng khá thận trọng. Trong 20 năm qua, thị phần của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có tăng lên, nhưng chỉ chiếm khoảng 9 - 11% cả về thị phần huy động và cho vay. Tính đến thời điểm này, số lượng chi nhánh, văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài tại thị trường Việt Nam khá nhiều, nhưng số lượng ngân hàng con 100% vốn ngoại còn khiêm tốn, chỉ mới có 6 ngân hàng con. T

ất nhiên, chúng ta cũng phải cân đối được số lượng ngân hàng trên thị trường và làm thế nào để cân đối được việc cung ứng các dịch vụ tài chính đến người tiêu dùng một cách tốt nhất, nên cần có sự cạnh tranh để người tiêu dùng được hưởng lợi. Đó mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, do các định chế tài chính nước ngoài gặp khó khăn nhất định sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên họ cũng cần thời gian để tái cơ cấu.

Được biết, trong một thương vụ M&A, ông đề cao yếu tố văn hóa, quản trị và sự điều hành ăn khớp với nhau lên hàng đầu. Vì sao không phải là yếu tố khác, thưa ông?

Thực ra, chúng ta phải quan tâm đến nhiều vấn đề trong quá trình M&A, nhưng yếu tố con người rất quan trọng, tất cả đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Hai bên phải ăn khớp với nhau, đồng tâm hợp lực và thiện chí hợp tác từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Do vậy, cả hai bên phải ngồi lại với nhau để thống nhất được lộ trình, chiến lược thực hiện M&A.

Thực tế, có nhiều thương vụ M&A trước đây đã thất bại do chiến lược, văn hóa điều hành giữa hai bên doanh nghiệp không ăn khớp được với nhau. Vì vậy, nếu yếu tố con người và văn hóa hai bên hòa hợp sẽ tạo ra yếu tố tài chính. Yếu tố quan trọng nhất để tích hợp thành công chính là tìm được tiếng nói chung.

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, theo ông, cần cho phép NĐT nước ngoài tham gia mua bán nợ?

Việc này đã được tôi đề cập và khuyến khích ngay từ đầu. Hiện chúng ta vẫn còn 2 vướng mắc lớn đó chính là xử lý tài sản đảm bảo và hình thành thị trường mua bán nợ. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn này.

Trong đó, cơ chế được định giá, mua bán nợ theo cơ chế thị trường nhiều khả năng sẽ được triển khai trong năm tới. Còn về người mua, có thể khi cơ chế mua bán nợ theo cơ chế thị trường được triển khai sẽ thu hút được vốn của NĐT nước ngoài, tạo động lực trong xử lý nợ và việc mua bán nợ được đẩy nhanh, minh bạch hơn trong thời gian tới.

Có nghĩa là, việc xử lý nợ xấu cần thiết phải có nguồn lực từ bên ngoài?

Tôi cho rằng, cần cả yếu tố trong nước lẫn ngoài nước. Bởi việc thu hút nguồn lực bên ngoài chưa hẳn chỉ là yếu tố tài chính, mà còn tạo ra động lực để các doanh nghiệp trong nước phát triển tốt hơn, minh bạch hơn và quan trọng nữa đó chính là tính xúc tác. Thực tế cho thấy, ở các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc trước đây, khi mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và thu hút nguồn vốn nước ngoài tham gia xử lý nợ, họ chỉ bán với giá chỉ bằng 20 - 30% giá gốc ban đầu, nhằm thu hút được tính xúc tác từ bên ngoài.

Theo tôi, Việt Nam cần xem xét đến phương án này để có thể đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, vì việc xử lý nợ xấu của chúng ta hiện nay không không dùng tiền ngân sách. Mặc dù Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, nhưng nợ xấu mua về chưa xử lý được nên VAMC sẽ khó mua thêm nhiều nợ xấu. Tuy nhiên, nếu cơ chế trên được thực hiện, tôi kỳ vọng rằng, trong năm tới, việc xử lý nợ xấu sẽ được cải thiện nhiều so với hiện nay.

Thùy Vinh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục