Nợ xấu của ngân hàng Việt được nhà đầu tư ngoại rất quan tâm

Ngay cả trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tìm đường vào ngân hàng nội.
Nợ xấu của ngân hàng Việt được nhà đầu tư ngoại rất quan tâm

Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho biết, nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, cũng như áp lực xử lý nợ xấu là cơ hội tốt để nhóm nhà đầu tư này rót vốn mua lại ngân hàng Việt Nam.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây cho thấy, hoạt động của các ngân hàng đã có dấu hiệu phục hồi. Dù nền kinh tế chưa cải thiện rõ nét, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết, nhất là những ngân hàng có hoạt động kinh doanh tốt vẫn tăng trưởng trong thời gian ngành này tái cơ cấu.

Minh chứng là, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã tăng 25% trong vòng 3 tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015; cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng 26%.

Do đó, các quỹ đầu tư, trong đó có VinaCapital, đang cân nhắc tăng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng khi thị trường bất động sản cải thiện và định giá hấp dẫn. Hiện Quỹ đầu tư VOF Investment Limited thuộc VinaCapital nắm 5,02% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn thứ ba của nhà băng này. Theo ông Andy Ho, khi có cơ hội, VinaCapital sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam.

Trên thực tế, vốn ngoại vẫn vào ngân hàng, kể cả trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Đơn cử, tại SCB, trong đợt tăng vốn mới đây thêm 2.000 tỷ đồng vào đầu năm 2015 để đạt mức trên 14.000 tỷ đồng, đã có sự tham gia mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tại SCB là 15% vốn điều lệ.

Theo SCB, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp SCB có định hướng mới, tạo áp lực cho SCB trong việc minh bạch hóa và tạo tiền đề thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài. Đây cũng là điểm tích cực cho SCB trong giai đoạn thị trường khó khăn.

Nhưng không chỉ dừng ở tỷ lệ sở hữu nói trên, HĐQT SCB cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang muốn nâng tỷ lệ cổ phần tại Ngân hàng. Bản thân SCB cũng đã có kế hoạch trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin chủ trương bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo lãnh đạo SCB, Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc, do đó, việc thu hút nguồn lực từ các cổ đông chiến lược nước ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này phải chờ ý kiến từ Chính phủ và NHNN, vì vượt room quy định. 

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho hay, Ngân hàng đang làm việc với một số nhà đầu tư nước ngoài để tính chuyện mua - bán cổ phần, kể cả trước thông tin DongA Bank sẽ về chung nhà với ngân hàng khác. Tuy nhiên, theo ông Bình, điều được nhà đầu tư quan tâm là tính minh bạch trong hoạt động, cả khi ngân hàng đó đang có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn quy định. 

Sau khi chia tay MekongBank, Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) của Singapore cũng đang tìm kiếm ngân hàng khác của Việt Nam để mua cổ phần.

Theo HĐQT HDBank, Ngân hàng đang quá trình tìm hiểu, đàm phán với đối tác ngoại để bán cổ phần. Trong đó, các đối tác đến từ Nhật Bản được HDBank quan tâm. Sau sáp nhập DaiA Bank, vốn điều lệ của HDBank đạt mức 8.100 tỷ đồng… Hiện thị trường còn nhiều ngân hàng chưa có đối tác nước ngoài, nên đang quá trình tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác. Đây cũng chính là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, theo phân tích của ông Andy Ho, về nhóm cổ phiếu ngân hàng, kể cả ngân hàng đã niêm yết và ngân hàng đang tái cơ cấu, nhà đầu tư cũng phải xem xét đến nhiều yếu tố, bởi đây là ngành đặc thù và việc các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn sàng rót vốn vào các ngân hàng Việt Nam hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố: chiến lược phát triển; triển vọng tăng trưởng; văn hóa…      

Mặt khác, các nhà đầu tư mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm xem xét nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài so với mức tối đa 30% hiện nay. Theo ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Saigon Asset Management (SAM), với quy định tỷ lệ cổ phần tối đa 20% đối với một cổ đông chiến lược nước ngoài được nắm giữ tại ngân hàng thương mại Việt Nam, thì đối tác nước ngoài sẽ khó có được tiếng nói chi phối trong HĐQT, trong quyết sách về chiến lược phát triển. “Vì thế, cần sớm nới room cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Louis Nguyễn nói.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục