Tái cấu trúc CTCK, lộ rõ xu hướng mới

(ĐTCK) Chuyển động từ thị trường cho thấy, xu hướng mới trong tái cấu trúc khối CTCK đã định hình.
Tái cấu trúc CTCK, lộ rõ xu hướng mới

“Ngấm” sức ép

Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), sau gần 2 năm triển khai Đề án Tái cấu trúc các CTCK, sức ép tái cấu trúc hiện đã “ngấm” khá sâu tới các CTCK, nên quá trình này đang diễn ra hiệu quả hơn.

Quá trình tái cấu trúc CTCK diễn ra dưới tác động của hai sức ép: từ phía cơ quan quản lý và từ nội tại CTCK. Nếu như trong khoảng 1 năm đầu thực hiện Đề án, quá trình tái cơ cấu diễn ra chủ yếu do sức ép của yếu tố thứ nhất, bởi các CTCK có các hành vi vi phạm, nên bị UBCK đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, kiểm soát, buộc thực hiện các thủ tục rút giấy phép hoạt động, thì gần 1 năm trở lại đây, một xu hướng mới đã trở nên rõ nét hơn. Đó là quá trình tái cơ cấu đang diễn ra do nhu cầu nội tại của chính các CTCK.

Tái cấu trúc CTCK, lộ rõ xu hướng mới ảnh 1

Dự báo, sẽ có nhiều CTCK tự nguyện giải thể

Minh chứng rõ nét của xu hướng trên, theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK, là đến thời điểm này, ngoài 3 CTCK đang hoàn tất thủ tục tự nguyện giải thể, còn có 2 CTCK khác đang thực hiện thủ tục hợp nhất, 11 CTCK đã tự nguyện rút nghiệp vụ môi giới và rút tư cách thành viên của hai sở GDCK, 2 CTCK xin rút nghiệp vụ tự doanh, 2 CTCK xin rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và 1 CTCK tự nguyện rút nghiệp vụ tư vấn đầu tư. Đó là chưa kể nhiều CTCK còn đóng cửa bớt chi nhánh, phòng giao dịch; cắt giảm tối đa nhân sự…

Có hai lý do chính khiến các CTCK đi đến quyết định tái cơ cấu ở hai cấp độ: cắt giảm nghiệp vụ hoạt động và giải thể. Đầu tiên, như chính lời thừa nhận của ông chủ các CTCK này (ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT CTCK Âu Việt; ông Đinh Quang Chiến, Chủ tịch HĐQT CTCK Sao Việt) là TTCK khó khăn kéo dài, nên họ không nhìn thấy cơ hội phát triển. Thứ đến, ông chủ các CTCK cảm thấy mình không còn… duyên nợ với lĩnh vực chứng khoán, nên nói lời giã từ.

Xét về kết quả của sức ép từ phía cơ quan quản lý đối với quá trình tái cấu trúc, theo thống kê của UBCK, hiện có 12 CTCK trong diện kiểm soát đặc biệt và kiểm soát. Trong số 6 CTCK bị kiểm soát đặc biệt, có 5 CTCK không thể khắc phục được tình trạng này, nên 3 trường hợp đã chấm dứt hoạt động và đang thực hiện thủ tục rút giấy phép hoạt động, 1 trường hợp tạm ngừng hoạt động và 1 trường hợp bị đình chỉ hoạt động…

Như vậy, về mặt con số, lượng CTCK đang hoàn tất thủ tục tự nguyện giải thể và số lượng CTCK bị xóa sổ do vi phạm các quy định về an toàn tài chính bị UBCK ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động đến thời điểm này là tương đương nhau. Tuy nhiên, nếu xét về thực tế quá trình tái cấu trúc đang diễn ra, nhiều khả năng các CTCK tự nguyện giải thể sẽ “xong việc” trước so với các CTCK bị cơ quan quản lý buộc xóa sổ hoạt động. Lý do, các CTCK tự nguyện giải thể đang thuận lợi hơn trong xử lý triệt để các khoản nợ với các bên liên quan, nhất là với khách hàng, vốn được coi là yếu tố quyết định sự thành hay bại của việc xóa sổ CTCK, trong khi các CTCK do vi phạm bị buộc xóa sổ chưa biết đến bao giờ mới giải quyết gọn các khoản công nợ với các bên liên quan. Chừng nào các CTCK vẫn chưa xử lý dứt điểm các khoản công nợ, thậm chí kiện cáo của khách hàng, UBCK chưa dễ rút giấy phép hoạt động đối với các trường hợp này.

 

Sẽ “chặt tay” hơn

Để quá trình tái cơ cấu CTCK diễn ra quyết liệt và hiệu quả hơn, từ nay đến cuối năm, cũng như trong năm tới, ông Sơn cho hay, ngoài tăng cường thanh, kiểm tra, để kịp thời xử lý các sai phạm, UBCK tiếp tục khuyến khích các CTCK tự giải thể, hỗ trợ các CTCK thực hiện mua bán, sáp nhập, qua đó thúc đẩy quá trình tái cấu trúc CTCK diễn ra nhanh hơn.

Cùng với đó, UBCK cũng đang tăng cường giám sát hoạt động của các CTCK, đặc biệt là về quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính, trên cơ sở đó phân loại, đánh giá các CTCK theo chuẩn CAMEL. Kết quả phân loại là cơ sở để UBCK kịp thời áp dụng các chế tài xử lý mạnh tay đối các trường hợp vi phạm…, nhằm đảm bảo quá trình tái cơ cấu diễn ra đúng luật và khẩn trương hơn.

Theo UBCK, 9 tháng đầu năm 2013, UBCK đã kiểm tra 20 CTCK, trên cơ sở đó kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. UBCK đã yêu cầu công ty kiểm toán và các CTCK có ý kiến ngoại trừ hoặc lưu ý của kiểm toán giải trình cụ thể về các điểm nổi cộm này, trên cơ sở đó đã áp dụng các chế tài xử lý hiệu quả.

>> Bước chuyển mới trong tái cấu trúc CTCK

>> Sẽ đẩy nhanh tái cấu trúc CTCK  

Hữu Hòe
Hữu Hòe

Tin cùng chuyên mục