Tại cuộc họp thường trực UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây, thường trực UBND tỉnh thống nhất đồng ý chủ trương tách phần cảng nhập LNG ra khỏi dự án Trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án.
Theo báo cáo của Sở Công thương, đây là dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư. Việc chưa tính đầu tư phần cảng nhập LNG trong dự án trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 tại thời điểm này nhằm thu hút đầu tư ở giai đoạn còn lại, tối ưu hóa cả 3 giai đoạn của dự án, từ đó rút ngắn quy trình thủ tục, sớm triển khai xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 của dự án.
Dự án Trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được giao cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo kế hoạch, Trung tâm điện lực LNG Long Sơn xây dựng theo lộ trình 3 giai đoạn, gồm Nhà máy nhiệt điện khí Long Sơn được xây dựng tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu với diện tích khoảng 132 ha, tổng công suất khoảng 3.600-4.500 MW và một cảng đầu mối nhập LNG với công suất 3,5-4,4 triệu tấn/năm. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 1.200 - 1.500MW, tiến độ vận hành năm 2025 – 2026. Ngoài giai đoạn 1 đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, các giai đoạn tiếp theo sẽ được dựa theo Quy hoạch điện VIII.
Cuối tháng 10/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi văn bản số 16191/UBND-VP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm diện tích Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn từ 850 ha xuống còn 652 ha. Trong đó, dự án Trung tâm điện lực Long Sơn quy mô gần 199,5 ha có khoảng 109 ha nằm trong ranh giới Khu công nghiệp. Ngoài Trung tâm điện lực Long Sơn, thời gian qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã chấp thuận vị trí để nghiên cứu một số dự án khác để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm. Việc giảm diện tích Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn sau khi được phê duyệt sẽ “mở đường” triển khai các dự án thứ cấp, trong đó có Trung tâm điện lực Long Sơn giai đoạn 1.
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cho phép Tổ hợp nhà thầu GTPP-MC-GE gồm 6 thành viên (Tổng công ty Phát điện 3 - EVNGENCO3, CTCP Đầu tư Thành Thành Công, CTCP Tư vấn Xây dựng điện 2, CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương, Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam và Công ty General Electric International INC) tiếp cận khảo sát, nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PreFS) và báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) đối với giai đoạn 1 của dự án. Các thành viên trong Tổ hợp đang chuẩn bị các nội dung liên quan để thực hiện các bước tiếp theo. Cuối năm 2020, General Electric đã ký kết biên bản ghi nhớ phát triển dự án nhiệt điện khí LNG Long Sơn trong đó cam kết sẽ cung cấp thiết bị, dịch vụ và đóng góp vốn đầu tư ước tính hơn 1 tỷ USD.
Cũng trong cuộc họp thường trực UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa tổ chức, UBND tỉnh cũng đã thống nhất về quy trình, tiêu chí khung và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ - một dự án trọng điểm khác của Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ có diện tích khoảng 1.763ha, bao gồm: Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ (984,24ha); diện tích mặt nước (455,77ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (197,65ha); diện tích mặt nước tiềm năng (125,34ha).
Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng |
Việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 29 Nghị định số 31 ngày 25/5/2021 của Chính phủ. Do đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề xuất tiêu chí khung và phương pháp đánh giá lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư cần phải chứng minh được giá trị tài sản ròng, vốn chủ sở hữu tối thiểu, khả năng thu xếp vốn vay; không nợ đọng thuế, nợ xấu ngân hàng, môi trường, tài chính; nhà đầu tư phải có khả năng kêu gọi các nhà đầu tư chuyên ngành thứ cấp; có khả năng kết nối với các nhà đầu tư, khai thác logistics tại Việt Nam và nước ngoài.
Hiện 5 nhà đầu tư quan tâm và gửi hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế - ITC (liên danh Geleximco - ITC); liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis - Hateco; Công ty Cổ phần IMG Innovations; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).