Những “ông lớn” nào đề xuất cấp chủ trương cho dự án điện khí LNG Quảng Trị?

0:00 / 0:00
0:00
Trong 4 “ông lớn” nộp hồ sơ xin cấp chủ trương với dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng Quảng Trị, có tới 3 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và tập đoàn trong nước T&T.
Phối cảnh một góc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nơi dự kiến sẽ hình thành Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng Phối cảnh một góc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nơi dự kiến sẽ hình thành Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng

Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cho hay, đơn vị này đã nhận được hồ sơ của Tổ hợp nhà đầu tư gồm Tổng công ty Năng lượng Hanwha (HEC), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) đến từ Hàn Quốc và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T) về việc trình hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tại Khu kinh tế đông nam Quảng Trị. Giai đoạn 1dự án có công suất 1.500 MW.

Tổ hợp nhà đầu tư trên đã nộp hồ sơ tại Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh quảng Trị kèm theo văn bản đề nghị thực hiện đầu tư dự án.

Theo đề xuất của tổ hợp nhà đầu tư, Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng có công suất giai đoạn 1 đến 1.500MW với tổng vốn đầu tư dự kiến 53.667 tỷ đồng, tiến độ vận hành thương mại năm 2026- 2027.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, trước đó ngày 4/2, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý bổ sung giai đoạn 1 của Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất giai đoạn 1 đến 1.500 MW, tiến độ vận hành năm 2026-2027. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch điện VIII và tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể các nội dung về địa điểm; công nghệ sử dụng; nguồn khí cung cấp cho các giai đoạn ngắn và dài hạn, có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị; quy mô kho cảng LNG; đấu nối nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia; giá điện cạnh tranh trong hệ thống điện quốc gia và các nội dung liên quan khác.

Theo UBND tỉnh này, Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đầu tư xây dựng nhà máy điện khí độc lập tại xã Hải An và Hải Ba trên tổng diện tích hơn 120 ha, sử dụng LNG để hoạt động. “Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là dự án động lực của tỉnh, góp phần đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền trung”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho hay.

Theo ông Hưng, tỉnh Quảng Trị cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư quan tâm; bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm, khả năng tài chính tham gia và thực hiện đúng pháp luật về đầu tư, sớm khởi công, đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn, bảo vệ môi trường…theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ..

Về hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, UBND tỉnh Quảng Trị giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh này hướng dẫn hoàn thiện theo quy định, đồng thời tổng hợp báo cáo tổng quát về nội dung đề xuất chủ trương đầu tư và trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện khí để UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh này cũng đã có cuộc họp với các ngành, địa phương về tình hình triển khai dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng.

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trung tâm điện khí LNG - giai đoạn 1, 1.500 MW do Sở Công Thương lập ngày 30/6 cho biết diện tích đất thực hiện dự án giai đoạn 1 là 97,15ha.

Trong đó cơ cấu hiện trạng đất bao gồm: đất ở nông thôn và đất trồng cây hàng năm là 35,29ha; đất rừng phòng hộ là 7,06ha; đất rừng sản xuất là 34,76ha; đất trồng cây hàng năm và đất khác là 23 ha; đất chưa sử dụng là 0,04 ha.

Hiện trạng sử dụng đất chủ yếu là đất nông nghiệp, vì vậy phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án và phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Sở Công Thương Quảng Trị cũng đã có văn bản đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án có quy mô gần 120ha, nằm trên địa phận xã Hải An và xã Hải Ba huyện Hải Lăng, thuộc khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD (tương đương 53.667 tỷ đồng). Dự án có công suất giai đoạn 1 là 1.200-1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW, dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 1 từ năm 2028.

Việt Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục