Tách bạch để tròn vai quản trị và điều hành doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc phân tách rõ ràng vai trò, chức danh lãnh đạo không chỉ đơn thuần là áp dụng một cách hình thức để tuân thủ luật pháp, mà quan trọng hơn vì chính lợi ích dài hạn của doanh nghiệp.
Tách bạch để tròn vai quản trị và điều hành doanh nghiệp

Đó là đánh giá của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Ðang có nhiều băn khoăn từ phía công ty đại chúng trong việc thực hiện tách bạch chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp từ ngày 1/8 tới, dù pháp luật đã cho thời hạn 3 năm để chuẩn bị. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

Việc tách bạch chức danh lãnh đạo xuất phát từ thông lệ quản trị tốt đúc kết từ những mô hình quản trị doanh nghiệp đã thành công từ hàng trăm năm nay trên thế giới đóng góp cho sự phát triển bền vững của công ty, gia tăng lợi ích của các doanh nghiệp và đã có những bằng chứng chứng minh thành công trên thực tiễn ở mức độ phổ cập.

Cần phải hiểu rằng, luật chỉ đặt mục tiêu áp dụng ở mức trung bình chứ không thể áp cho đại trà các doanh nghiệp với tiêu chuẩn cao như theo thông lệ tốt.

Trong quản trị, nếu chỉ phấn đấu bằng luật thì đó là tư duy tụt lùi, bởi mục tiêu quản trị phải là tốt hơn, vượt trên quy định của luật vì chính lợi ích công ty.

Tuy nhiên, có một thực tế là tại các nước thị trường còn non trẻ luôn có mâu thuẫn giữa quản trị theo thói quen, tập quán, theo ý thích cá nhân, vì sự thuận tiện của một cổ đông lớn nào đó với thông lệ tốt, tạo ra sự xung đột rất lớn về lợi ích và thực tế này cũng khá phổ biến ở mọi quốc gia, không riêng gì Việt Nam.

Vì vậy, tốt nhất là cần thúc đẩy thực thi nghiêm túc theo luật pháp, để từ đó nâng cao nhận thức, giúp cải thiện hoạt động quản trị.

Trong điều kiện cấp độ thị trường chưa cao, liệu thông lệ này có thể trở thành thực tiễn tốt?

Ông Phan Đức Hiếu.

Khi các doanh nghiệp hoạt động ở trạng thái bình thường, mọi cái đều suôn sẻ thì họ ít coi trọng vai trò quản trị, các ý kiến khuyến nghị cải thiện quản trị từ phía các chuyên gia ít được coi trọng.

Tuy nhiên, khi xảy ra vấn đề, lúc đó mới quay trở lại đánh giá, phân tích các yếu tố tác động, thì mọi sự đã muộn. Sự sụp đổ của một số ngân hàng gần đây là những ví dụ điển hình cho thấy, một người là cổ đông lớn giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị (HÐQT) kiêm tổng giám đốc điều hành không chỉ gây hệ lụy xấu ở ngân hàng, mà ảnh hưởng tới cả hệ thống.

Một thực trạng khá phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam là quản trị chỉ có ý nghĩa khi công ty xảy ra vấn đề, khi sụp đổ rồi mới quay ra nhận thức được thì đã muộn.

Trong các nguyên tắc quản trị tốt có 2 nguyên tắc: tách bạch giữa sở hữu và quản trị; tách bạch giữa quản trị và điều hành, tức là tách bạch giữa chủ tịch HÐQT và giám đốc/tổng giám đốc.

Tách bạch hàm ý cổ đông lớn không nên giữ vị trí quản lý cấp cao trong công ty. Chủ tịch HÐQT nên độc lập, không điều hành, không nên kiêm tổng giám đốc.

Hai vị trí này không thể là một, vì chức năng của chủ tịch HÐQT rất khác với tổng giám đốc. Chủ tịch HÐQT có chức năng hoạch định chiến lược và giám sát thực hiện, còn tổng giám đốc thực hiện các chiến lược, nếu hai vị trí do một người đảm nhiệm thì sẽ bị lẫn lộn, nhập nhằng, thậm chí xung đột về vai trò và lợi ích.

Một người không thể tự xây dựng tổ chức một bộ máy, đặt ra chiến lược và sau đó lại tự giám sát mình thực hiện nhiệm vụ thực thi chiến lược đó. Hơn nữa, một người cũng không thể vừa xây dựng và thực thi chiến lược. Có thể có một vài cá nhân thực hiện thành công, nhưng đó không phải bản chất, mà chỉ là hiện tượng.

Những bằng chứng nào cho thấy việc phân vai lãnh đạo trong doanh nghiệp giúp cải thiện hiệu quả quản trị, điều hành cũng như gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp tại Việt Nam?

Việc này có những bằng chứng về lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Hiện nay, ở Việt Nam có 2 xu hướng của HÐQT: thứ nhất là cực hữu, gọi là nghị gật, HÐQT mất hết vai trò, chỉ theo tổng giám đốc; thứ hai là HÐQT điều hành, tức kiêm nhiệm. Ðây là hai thực tiễn xấu, đi ngược lại thông lệ tốt và xu thế chung của quản trị tốt trên thế giới.

Chiếu theo các tiêu chuẩn trong cả 3 loại báo cáo phổ biến về chất lượng quản trị bao gồm Thẻ điểm ASEAN, Báo cáo quản trị công ty niêm yết Việt Nam và Báo cáo xếp hạng đánh giá của Ngân hàng Thế giới về bảo vệ cổ đông thiểu số gần đây thì HÐQT luôn bị đánh giá là có chất lượng yếu kém, là nguyên nhân gốc rễ khó nâng hạng trong Thẻ điểm quản trị tại Việt Nam.

Trong khi đó, các công ty có quản trị tốt trong các báo cáo này đều có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) cao và tăng đều hàng năm.

Một bài học cụ thể có thể thấy từ trường hợp của Trung Nguyên. Trong doanh nghiệp này, 2 vợ chồng là 2 cổ đông lớn, giữ 2 vị trí quan trọng là chủ tịch HÐQT và tổng giám đốc, không tuân thủ thông lệ quản trị tốt.

Mâu thuẫn cá nhân, giữa 2 cổ đông dẫn đến mâu thuẫn trong quản trị điều hành doanh nghiệp, khiến Công ty chịu ảnh hưởng nặng nề cả về doanh thu và lợi nhuận. Hệ lụy này sẽ tránh được nếu tách bạch giữa sở hữu và điều hành, bởi khi đó sẽ chỉ là mâu thuẫn giữa 2 cá nhân là 2 cổ đông, khác hẳn với mâu thuẫn giữa chủ tịch HÐQT và tổng giám đốc. 

Thông lệ tốt trên thế giới song áp dụng bắt buộc trong điều kiện thực tế doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được liệu có dẫn tới tình trạng áp dụng một cách hình thức để đối phó? 

Kể cả khi thực hiện một cách hình thức thì cũng sẽ có tác động tích cực nhất định và những trường hợp vi phạm cần phải có chế tài để đảm bảo sự tuân thủ nghiêm minh luật pháp. Tôi thấy, thực hiện tách bạch hai vị trí cao nhất trong doanh nghiệp không có gì khó khăn.

Thị trường nhân lực Việt Nam dồi dào, có cả nhân lực quốc tế, sẵn sàng đảm nhận vị trí tổng giám đốc. Ở đây, doanh nghiệp có vượt qua được rào cản về nhận thức hay không, vượt qua thói quen và quản trị theo sự thuận tiện không mới là mấu chốt vấn đề.

Nghị định 71/2017/NÐ-CP yêu cầu chủ tịch HÐQT không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc/giám đốc của cùng một công ty đại chúng cho thời hạn 3 năm để thực hiện, đáng ra phải có hiệu lực từ năm 2017.

Ðến thời điểm này, nếu doanh nghiệp nào còn chần chừ thực hiện yêu cầu trên thì cần xem xét lại chính người điều hành doanh nghiệp, họ vẫn có hơi hướng quản trị theo thói quen, sự thuận tiện và ngắn hạn.

Về vấn đề này, các cổ đông và nhà đầu tư cần liên kết lại với nhau. Hiện nay, luật đã có công cụ cho cổ đông tạo ra sự trừng phạt và gây sức ép cho doanh nghiệp. Trong Luật Doanh nghiệp đã có cơ chế để cổ đông khởi kiện người quản lý công ty khi không thực hiện đầy đủ, đúng trách nhiệm đối với công ty.

Nếu HÐQT chậm trễ trong việc triển khai tách bạch hai vị trí lãnh đạo cao nhất khiến công ty bị phạt, cổ đông có quyền khởi kiện HÐQT, yêu cầu các cá nhân phải bồi hoàn cho công ty.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục