Bản tin quản trị công ty “Thực thi vai trò giám sát của hội đồng quản trị” tháng 4/2020 của Deloitte Việt Nam cho biết, thù lao, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành cũng như từng thành viên phải được công bố trong báo cáo tài chính năm, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng hiện chưa đến 10%.
Điều 158, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, thù lao của thành viên Hội đồng quản trị và tiền lương của giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác được tính vào chi phí kinh doanh của Công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của Công ty, phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng có hiệu lực từ 1/8/2017, báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị/ban kiểm soát tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên phải đảm bảo có nội dung: thù lao, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của hội đồng quản trị/ban kiểm soát cũng như của từng thành viên.
Vậy nhưng, trên thực tế, các doanh nghiệp thường gộp thù lao hội đồng quản trị, ban kiểm soát vào ban điều hành thành con số tổng chi thù lao, lương thưởng.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), doanh nghiệp công bố chi trả 53,2 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị và Ban điều hành trong năm 2019. Tính ra, mỗi lãnh đạo nhận bình quân 3 tỷ đồng trong năm qua.
Còn Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thì chi 7,2 tỷ đồng tiền lương thưởng và 40,8 tỷ đồng thù lao cho 16 thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Ban Tổng giám đốc trong năm qua. Bình quân, mỗi lãnh đạo cấp cao của HPG có mức thu nhập khoảng 3 tỷ đồng.
Hay tại Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), trong báo cáo thường niên năm 2019, doanh nghiệp công bố thù lao Hội đồng quản trị là 3,48 tỷ đồng, lương và thưởng Ban Tổng giám đốc là 14,4 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị công ty này hiện có 5 người, Ban Tổng giám đốc có 3 người. Như vậy, trong năm qua, bình mỗi thành viên Hội đồng quản trị REE được nhận gần 700 triệu đồng, mỗi thành viên Ban Tổng giám đốc được nhận gần 5 tỷ đồng.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp công bố tổng thù lao của hội đồng quản trị và ban kiểm soát, mà không cho biết thù lao của ban điều hành.
Chẳng hạn, theo báo cáo thường niên của Công ty cổ phần FPT, năm 2019, doanh nghiệp thực chi mức lương, thưởng và thù lao cho thành viên Hội đồng quản trị là 16,28 tỷ đồng, thù lao và chi phí hoạt động của Ban Kiểm soát là 1,04 tỷ đồng.
Ước tính, với 7 người trong Hội đồng quản trị, bình quân mỗi thành viên được nhận hơn 2,3 tỷ đồng.
Hay tại Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), quỹ tiền lương, tiền thưởng thực hiện năm 2019 của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát dự kiến vượt kế hoạch.
Cụ thể, theo kế hoạch đề ra, quỹ tiền lương, tiền thưởng kế hoạch trước thuế gộp chung của cả Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát là 10,46 tỷ đồng.
Nhưng sau khi có kết quả đánh giá mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ của người quản lý, tổng số tiền lương và tiền thưởng sẽ chi có thể lên tới tối đa là 12,4 tỷ đồng.
Được biết, Hội đồng quản trị GAS có 6 người và Ban Kiểm soát có 3 người, tính bình quân mỗi người được nhận 1,4 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) nằm trong số ít các doanh nghiệp công bố cụ thể mức lương thưởng, thù lao mỗi lãnh đạo.
Năm ngoái, tiền lương và thù lao của mỗi sếp lớn trong Hội đồng quản trị DBC đều được nêu tại báo cáo thường niên của doanh nghiệp.
Người có thu nhập cao nhất là ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông So nhận 1,2 tỷ đồng tiền lương và 360 triệu đồng tiền thù lao trong năm 2019. Tổng cộng, DBC chi khoảng 8,7 tỷ đồng cho quỹ lương, thù lao của dàn lãnh đạo doanh nghiệp năm qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức thu nhập của các lãnh đạo doanh nghiệp dù cao hay thấp cũng phải gắn với hiệu quả kinh doanh, đảm bảo yếu tố công bằng và hợp lý.
Đồng thời, thù lao, lương thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các lợi ích liên quan phải được công khai, minh bạch, tránh phát sinh những nguồn thu nhập “kín đáo” đến từ giao dịch với các bên có liên quan, gây thiệt hại cho công ty nói chung, các cổ đông khác nói riêng.